Ung thư phổi là căn bệnh đang ngày càng trở lên phổ biến trong xã hội hiện nay. Để điều trị bệnh, nhiều người được chỉ định thực hiện phương pháp phẫu thuật, song họ tò mò không biết rằng sau khi phẫu thuật ung thư phổi thì tỷ lệ sống là bao nhiêu? Nếu bạn cũng đang quan tâm đến vấn đề trên, hãy đọc ngay bài viết dưới đây.
Triệu chứng ung thư phổi
Ung thư phổi là bệnh tiến triển âm thầm, lặng lẽ, biểu hiện rất ít các triệu chứng ở giai đoạn đầu. Hoặc nếu có triệu chứng thì chúng dễ gây nhầm lẫn với các bệnh đường hô hấp nên thường bị bỏ qua. Dưới đây là một số triệu chứng cảnh báo có thể bạn đã mắc ung thư phổi:
- Ho nhiều, ho dai dẳng: Đây là triệu chứng thường gặp khi mắc ung thư phổi, tuy nhiên nó lại không điển hình, dễ nhầm lẫn với các bệnh cảm mạo thông thường.
- Đờm lẫn máu: Kể cả khi lượng máu lẫn trong đờm rất nhỏ, bạn cũng không nên chủ quan với dấu hiệu này.
- Viêm phế quản, viêm phổi tái phát: Do tế bào ung thư phát triển làm suy giảm hệ miễn dịch dẫn tới cơ thể dễ bị viêm nhiễm, tái phát nhiều lần.
- Thở khò khè: Triệu chứng này xảy ra do khối u phổi phát triển cản trở quá trình hô hấp.
- Khó nuốt: Khi khối u phổi chèn ép thực quản sẽ gây ra triệu chứng này.
- Nói khàn: Khối u phổi chèn ép thần kinh quặt ngược có thể làm biến đổi giọng nói.
- Đau tức ngực: Cơn đau thường xuất hiện mỗi khi người bệnh hoạt động mạnh, ho hay cười nói.
Các phương pháp phẫu thuật ung thư phổi
Trong điều trị ung thư phổi, phẫu thuật được xem là một trong những phương pháp truyền thống. Thủ thuật này được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau tùy vào từng tình trạng bệnh:
- Cắt bỏ một phần phổi: Nếu khối u có kích thước nhỏ và đang khu trú ở một vị trí nhất định, chưa di căn, các bác sĩ có thể tiến hành cắt bỏ một phần phổi chứa khối u.
- Cắt bỏ toàn bộ một bên phổi: Trường hợp kích thước khối u phổi lớn nhưng chưa lan rộng và xâm lấn sang các cơ quan lân cận thì người bệnh có thể được chỉ định cắt bỏ toàn bộ một bên phổi chứa khối u.
- Phẫu thuật nội soi phổi: Đây là cách thức phẫu thuật hiện đại có nhiều ưu điểm như: Chính xác, ít đau đớn và ít tác dụng phụ. Để thực hiện phương pháp này, các bác sĩ sẽ rạch một vết mổ nhỏ ở ngực của người bệnh, sau đó luồn ống nội soi, đưa dụng cụ phẫu thuật vào để nạo vét, hút sạch các tế bào ung thư ra ngoài.
Tỷ lệ sống sau phẫu thuật ung thư phổi là bao nhiêu?
Phẫu thuật là phương pháp phù hợp với những người phát hiện mắc ung thư phổi ở giai đoạn sớm bởi lúc này, kích thước khối u còn nhỏ và chưa lây lan rộng. Đáng tiếc là ở Việt Nam, đa số các trường hợp bị ung thư phổi thường phát hiện muộn nên hiệu quả của phương pháp này chưa được phát huy tối đa.
Theo thống kê, sau khi phẫu thuật, có tới 50% trường hợp mắc ung thư phổi bị tái phát và có thể không qua khỏi. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân được điều trị hóa trị bổ trợ sau phẫu thuật thì tỷ lệ này có thể giảm đi đáng kể.
Trên thực tế, hiệu quả của phương pháp phẫu thuật trong điều trị ung thư phổi còn tùy thuộc vào từng loại ung thư phổi, giai đoạn phát hiện bệnh và thể trạng của người mắc. Càng phát hiện và điều trị sớm, tiên lượng càng khả quan hơn. Cụ thể, theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, tỷ lệ sống sau khi phẫu thuật của từng loại ung thư phổi như sau:
Ung thư phổi tế bào nhỏ
- Nếu khối u chỉ nằm trong phổi không di căn, tỉ lệ sống sau 5 năm kể từ khi phẫu thuật là khoảng 23,3%.
- Nếu khối u đã lan đến khu vực khác, bao gồm cả các hạch bạch huyết thì tỷ lệ sống sau 5 năm giảm xuống còn 14,4%.
- Nếu khối u tiến triển và xâm lấn đến các khu vực xa của cơ thể, tỉ lệ sống sau 5 năm chỉ còn lại 2,8%.
Ung thư phổi không tế bào nhỏ
- Ở giai đoạn sớm, khi khối u không lây lan, tỉ lệ sống sau 5 năm là 49%.
- Nếu ung thư đã lan đến khu vực lân cận, tỉ lệ sống là 30%.
- Ở giai đoạn cuối, khi tế bào ung thư đã di căn xa, tiên lượng sống của bệnh nhân giảm xuống còn 1%.
- Trong trường hợp phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn muộn, tế bào ung thư đã lan rộng sang các cơ quan lân cận như: Gan, xương, lá lách,… thì phương pháp phẫu thuật không còn phù hợp, bác sĩ có thể chỉ định hóa trị hoặc xạ trị.