Phẫu thuật là một trong những phương pháp được áp dụng chủ yếu trong điều trị ung thư phổi giai đoạn đầu, với mục đích là loại bỏ khối u ra khỏi cơ thể. Vậy cụ thể phương pháp này được thực hiện như thế nào và có thể gây ra những tác dụng phụ gì? Để có câu trả lời chính xác nhất, mời bạn cùng theo dõi nội dung bài viết dưới đây!
Ung thư phổi là gì?
Ung thư phổi là bệnh lý xuất phát từ sự phân chia không kiểm soát của tế bào mô phổi, từ đó hình thành nên khối u ác tính. Những tế bào ác tính theo đường máu hoặc hệ thống bạch huyết lan đến những cơ quan khác của cơ thể và hình thành khối u ở đó.
Có hai loại ung thư phổi bao gồm ung thư phổi tế bào nhỏ (hay còn gọi là ung thư biểu mô tế bào nhỏ) chiếm khoảng 10 - 15% số ca mắc và ung thư phổi không phải tế bào nhỏ chiếm tỷ lệ lớn hơn, khoảng 80 - 90%. Tùy từng giai đoạn tiến triển của bệnh, thời điểm phát hiện và thể trạng người mắc mà áp dụng các phương pháp điều trị khác nhau.
Phẫu thuật ung thư phổi được thực hiện như thế nào?
Phẫu thuật là phương pháp giúp loại bỏ khối u phổi ra khỏi cơ thể, thường dùng để điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn đầu. Phẫu thuật có thể được thực hiện bằng một số cách như sau:
Loại bỏ một phần mô phổi
Bác sĩ sẽ khuyến cáo người bệnh tiến hành thủ thuật này khi khối u ở phổi nhỏ và chưa lan rộng ra khu vực xung quanh. Bạn có thể thực hiện phẫu thuật bằng cách:
- Cắt nêm: Loại bỏ một mảnh mô phổi nhỏ từ một hoặc nhiều thùy.
- Cắt một phần thùy phổi: Loại bỏ một phần lớn hơn của mô phổi nhưng không loại bỏ toàn bộ thùy.
Cắt bỏ thùy phổi
Hai lá phổi có tổng cộng 5 thùy, với 3 thùy ở phổi phải và 2 thùy phổi trái. Tế bào ung thư có thể phát triển ở bất kỳ phần nào của phổi. Nếu khối u nằm ở một hay nhiều thùy, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ thùy phổi chứa tế bào ung thư.
Cắt bỏ hoàn toàn một bên phổi
Đôi khi, điều trị ung thư phổi đòi hỏi phải loại bỏ toàn bộ phần phổi bị tổn thương. Trường hợp tế bào ung thư phát triển ở cả 3 thùy phải hoặc 2 thùy trái, phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn một bên phổi là điều cần thiết, giúp loại bỏ tế bào ung thư khỏi cơ thể để chúng không tiếp tục phát triển hoặc lan rộng.
Tuy nhiên, phương pháp này không khuyến khích thực hiện ở tất cả người bệnh. Bác sĩ sẽ yêu cầu làm các xét nghiệm trước khi cắt bỏ hoàn toàn một bên phổi để chắc chắn rằng bạn còn đủ mô phổi khỏe mạnh duy trì sự trao đổi khí hàng ngày. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ thực hiện một vết mổ ở cạnh sườn, loại bỏ phổi sau khi tách mô và xương sườn.
Phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn một bên phổi là phương pháp điều trị ung thư phổi khá phức tạp. Bác sĩ chỉ đề nghị tiến hành khi đã cân nhắc giữa lợi và hại. Trường hợp ung thư phổi đã tiến triển hoặc di căn, phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn một bên phổi có thể không còn hữu ích.
Phẫu thuật có thể là một cách điều trị ung thư phổi hiệu quả nhưng thông thường người mắc bệnh vẫn phải kết hợp thực hiện hóa trị, xạ trị sau phẫu thuật. Điều này giúp phòng ngừa và tiêu diệt các tế bào ung thư siêu nhỏ, còn sót lại sau phẫu thuật và có nguy cơ lan đến hạch bạch huyết.
Tác dụng phụ của phẫu thuật ung thư phổi
Phẫu thuật điều trị ung thư phổi là một thủ thuật khá phức tạp, người mắc bệnh có thể mất vài tuần hoặc vài tháng để phục hồi tùy vào loại phẫu thuật sử dụng. Bên cạnh đó, phẫu thuật có thể gây một số rủi ro như:
- Dị ứng với thuốc gây mê.
- Chảy máu.
- Hình thành cục máu đông.
- Nhiễm trùng.
- Viêm phổi.
- Đau kéo dài sau phẫu thuật.
- Cơ thể mệt mỏi, suy nhược.