Hiện nay, với sự tiến bộ của nền y học, ngày càng có nhiều phương pháp điều trị ung thư phổi được phát hiện và ứng dụng thành công, giúp người bệnh có thêm cơ hội sống, tiêu biểu như hóa trị. Mời bạn đọc cùng tìm hiểu rõ hơn về phương pháp này trong điều trị ung thư phổi thông qua nội dung bài viết dưới đây!
Tìm hiểu chung về bệnh lý ung thư phổi
Ung thư phổi là bệnh lý do sự xuất hiện của khối u ác tính phát triển từ các tuyến phế quản, phế nang, biểu mô phế quản hoặc tiểu phế quản tận. Đây là loại ung thư hay gặp nhất ở nam giới và đứng thứ 3 ở nữ giới, chiếm trên 90% số trường hợp mắc khối u ở phổi. Ở các nước phát triển, tỷ lệ mắc ung thư phổi đang ngày càng gia tăng. Theo giới chuyên gia, căn bệnh ác tính với tỷ lệ mắc cao vào nhóm bậc nhất này có tiên lượng khá xấu với số ca sống thêm 5 năm thấp. Cụ thể, theo thống kê, năm 1993 là 8% và năm 1997 là 11% ở người da màu và 14% ở người da trắng trên toàn thế giới.
Ung thư phổi là bệnh lý phổ biến
Phương pháp hóa trị trong điều trị ung thư phổi
Có nhiều phương pháp điều trị ung thư phổi như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, thuốc điều trị đích, liệu pháp miễn dịch,… Trong đó, hướng đi phổ biến được áp dụng nhiều trong phác đồ điều trị ung thư phổi đó là hóa trị. Đối với bệnh lý ung thư phổi, hóa trị được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Trước phẫu thuật để thu nhỏ khối u, tạo điều kiện cho ca mổ thuận lợi hơn, gọi là điều trị tân bổ trợ.
- Sau phẫu thuật hoặc xạ trị để “dọn dẹp” hết các tế bào ung thư phổi còn sót lại trong cơ thể, hay còn gọi là điều trị bổ trợ.
Trước tiên, bác sĩ sẽ dựa vào thăm khám lâm sàng, chụp chiếu, xét nghiệm đánh giá loại cũng như giai đoạn bệnh và tình trạng để đưa ra mục đích hoá trị là chữa khỏi hay điều trị triệu chứng, chăm sóc giảm nhẹ, kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.
Phác đồ và kế hoạch hóa trị trong điều trị ung thư phổi sẽ khác nhau trên từng trường hợp cụ thể:
- Tùy theo diện tích bề mặt cơ thể của người bệnh, bác sĩ sẽ tính liều lượng thuốc hóa trị.
- Thường trong phác đồ điều trị ung thư phổi sẽ kết hợp nhiều hóa chất với nhau. Phác đồ dạng kết hợp thuốc đã được chứng minh hiệu quả hơn dùng một thuốc. Quy tắc là sử dụng các thuốc có cơ chế tác động khác nhau và không gây ra độc tính giống nhau trên cùng một cơ quan.
Điều trị ung thư phổi bằng phương pháp hóa trị
Muốn biết hiệu quả của quá trình điều trị ung thư phổi bằng hóa trị như thế nào, cần so sánh với mục tiêu ban đầu. Thông thường, sau 2 - 3 chu kỳ điều trị hóa trị, hiệu quả của phác đồ sẽ được đánh giá theo tiêu chuẩn như sau:
+ Phác đồ đáp ứng toàn bộ: Sau điều trị không còn khối u.
+ Phác đồ đáp ứng một phần: Khối u có đường kính giảm từ 30% trở lên.
+ Phác đồ giúp bệnh ổn định: Khối u giữ nguyên kích thước, không thu nhỏ cũng không tăng lên.
+ Phác đồ làm bệnh tiến triển: Khối u bị tăng kích thước từ 20% hoặc có tổn thương mới xuất hiện.
Một số tác dụng phụ khi thực hiện hoá trị ung thư phổi
Hóa trị trong điều trị ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng đều khiến nhiều người bệnh lo lắng, sợ hãi, thậm chí là suy sụp sức khỏe, không theo đuổi được hết liệu trình. Theo giới chuyên gia, người bị ung thư phổi khi thực hiện hóa trị có thể gặp phải những tác dụng phụ sau:
- Kháng thuốc: Đây là tình trạng khiến người bệnh có thể phải đổi phác đồ với hóa chất khác hoặc áp dụng biện pháp điều trị khác. Kháng thuốc có thể xuất hiện ngay từ lần đầu truyền hóa chất hoặc sau khi điều trị một thời gian.
- Tác dụng phụ trên hệ tiêu hoá: Khó nuốt, buồn nôn, nôn, đau dạ dày, tiêu chảy hoặc táo bón.
- Tác dụng phụ trên da: Da dễ bị khô, nhăn, nhạy cảm, có thể bỏng khi gặp ánh nắng mặt trời.
- Tác dụng phụ gây độc với tế bào nang tóc: Rụng tóc, tóc dễ gãy, yếu.
- Tác dụng phụ ức chế tủy xương: Do tủy xương là nơi sản xuất tế bào máu nên hóa chất trị liệu ức chế tủy xương sẽ gây ra tình trạng thiếu máu do thiếu hồng cầu, dễ nhiễm trùng do giảm bạch cầu, chảy máu do giảm tiểu cầu.
- Tác dụng phụ trên hệ sinh dục: Nam giới giảm số lượng tinh trùng, nữ giới bị rối loạn kinh nguyệt.
Hóa trị ung thư phổi có thể gây nhiều tác dụng phụ
Có thể thấy, mặc dù hóa trị ung thư phổi là cần thiết trong trường hợp bệnh đã di căn xa, song phương pháp này cũng gây ra nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người mắc. Những tác dụng không mong muốn này có thể là độc tính cấp, xảy ra trong hoặc sau vài ngày điều trị. Tuy nhiên, chúng cũng có thể là độc tính muộn, xuất hiện sau vài tháng, thậm chí vài năm, ảnh hưởng nặng đến cơ thể hoặc thậm chí gây tử vong như viêm phổi, suy tim,…