U phổi là tình trạng một khối mô phổi bất thường, phát triển quá mức và không hài hòa với các mô bình thường kế cận, tồn tại mãi mãi sau khi đã ngừng kích thích sinh u. Bệnh chia thành 2 loại là u phổi lành tính và u phổi ác tính (ung thư). Cùng với di căn, sự xâm lấn là bằng chứng đáng tin cậy để phân biệt u lành và u ác. U phổi di căn hay phát hiện ở giai đoạn muộn nên thời gian sống thường bị rút ngắn. Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra hợp chất capsaicin trong quả ớt có thể giúp kiểm soát tình trạng này. Cụ thể như thế nào, hãy cùng tìm hiểu!
Triệu chứng u phổi di căn
Khối u ở phổi khi đã di căn khiến người mắc có tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời thì có thể kéo dài thời gian sống. Nếu thấy các triệu chứng sau, bạn hãy đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để nhận được chỉ định thông qua phương pháp chẩn đoán hình ảnh, mô bệnh học và xét nghiệm sinh học phân tử liên quan đến đột biến gen:
- Ho kéo dài trên 2 tuần;
- Ho ra máu, dây máu lẫn đờm, máu thường sẫm màu. Đây là yếu tố tiên lượng xấu, nên bệnh nhân cần đi khám ngay;
- Đau ngực: Thường lúc ban đầu đau liên quan vận động, sau thì đau liên tục, uống thuốc giảm đau thấy đỡ;
- Khó thở: Cảm giác hụt hơi, lúc đầu khó thở khi vận động mạnh, lên cầu thang, về sau khó thở liên tục;
- Mệt mỏi, sút cân: Bệnh nhân thường chán ăn, ăn kém, người mệt và sút cân nhanh;
- Các dấu hiệu liên quan đến nội tiết như: Sưng đau các khớp nhỡ và nhỏ, sạm da, móng tay, móng chân khum, ngón dùi trống, thay đổi tâm tính, hay lo lắng, nóng giận hoặc trầm cảm.
Các phương pháp điều trị ung thư phổi
Hiện nay, bệnh nhân ung thư phổi thường được kết hợp nhiều phương pháp trong điều trị. Cụ thể:
- Phẫu thuật: Đây biện pháp điều trị triệt để nhất, đặc biệt là những trường hợp được chẩn đoán sớm. Phẫu thuật thường được tiến hành để cắt bỏ toàn bộ thùy phổi chứa khối u và bóc hạch.
- Điều trị hóa chất: Phương pháp này phù hợp cho những bệnh nhân ở giai đoạn muộn, giúp tiêu diệt tế bào ung thư và ngăn chặn sự di căn. Biện pháp này đòi hỏi thể trạng bệnh nhân phải tốt.
- Xạ trị: Giúp phá hủy và làm chậm sự phát triển của khối u. Ở bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ ở giai đoạn sớm, không mổ được có thể lựa chọn xạ trị lập thể định vị thân cho hiệu quả tương đương phẫu thuật. Với người bị ung thư phổi giai đoạn III không mổ được, điều trị hóa - xạ trị đồng thời hoặc tuần tự cũng rất tốt.
- Điều trị đích: Ung thư phổi không tế bào nhỏ liên quan đến các đột biến gen, được xác định thông qua xét nghiệm sinh học phân tử. Từ đó, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc điều trị nhằm mục đích tiêu diệt tế bào ung thư nhưng ít ảnh hưởng đến tế bào lành, giúp cải thiện thời gian sống và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
- Điều trị miễn dịch: Giúp tạo miễn dịch chủ động cho cơ thể, có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư nhờ việc phát hiện ra các điểm kiểm soát (check point - PD1, PD-L1). Một số thuốc điều trị miễn dịch hiện nay là pembrolizumab, durvalumab,… Tuy nhiên, giá của các thuốc này thường rất cao.
- Điều trị giảm nhẹ: Khi bệnh nhân đã ở giai đoạn muộn, các phương pháp điều trị giảm nhẹ sẽ giúp đẩy lùi triệu chứng, hỗ trợ bổ sung dinh dưỡng.