Ngày nay, nhiều thống kê cho thấy tỷ lệ mắc ung thư, trong đó đặc biệt là ung thư phổi đang có xu hướng tăng nhanh. Nhiều người thắc mắc rằng, tại sao hình thành bệnh ung thư phổi và nếu không may mắc bệnh thì cần lưu ý gì trong chế độ ăn uống để nâng cao sức khỏe và hạn chế nguy cơ bệnh tiến triển nặng hơn. Mời bạn đọc cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây!

Tại sao hình thành bệnh ung thư phổi?

Phổi cũng giống như nhiều cơ quan khác của cơ thể, mỗi giây đều có tế bào sinh ra và chết đi để đảm bảo tính toàn vẹn. Nhưng vì nguyên nhân nào đó khiến quá trình này bị rối loạn, tế bào sinh ra vô độ, không đảm bảo được chức năng trong khi tế bào già, lỗi không được đào thải dẫn đến hình thành khối u phổi. Các tế bào ác tính phát triển chèn ép, lấy đi nguồn dinh dưỡng của những tế bào bình thường khiến cơ thể người mắc mệt mỏi và nhanh chóng suy kiệt. Ngoài ra, ung thư phổi có thể xuất phát từ các tác nhân ngoại sinh, thường gặp nhất là:

- Thói quen hút thuốc lá.

- Thường xuyên hít phải khói thuốc lá.

- Có thành viên trong gia đình bị ung thư phổi.

- Điều trị xạ trị cho các bệnh lý khác gây ảnh hưởng đến vùng ngực.

- Tiếp xúc thường xuyên với các chất độc như amiăng, crom, niken, asen, muội hoặc hắc ín tại nơi làm việc và ngoài môi trường.

Một số điểm lưu ý trong chế độ ăn uống của người bị ung thư phổi

Các chuyên gia nhận định rằng, bên cạnh thực hiện phác đồ điều trị ung thư phổi theo y học hiện đại, một trong những vấn đề cần được chú ý đến đó là chế độ ăn uống của người bệnh. Do tác dụng phụ từ phương pháp điều trị tây y nên người bị ung thư phổi thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon miệng,… Vậy câu hỏi đặt ra là nên thực hiện chế độ ăn uống như thế nào cho người bị ung thư phổi để họ có đủ sức chống chọi lại với căn bệnh “quái ác” này? Câu trả lời đến từ chuyên gia dinh dưỡng như sau: 

- Ăn thực phẩm dễ tiêu hóa.

- Chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày.

- Ăn đồ ấm, nóng; tránh những thực phẩm lạnh.

- Chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất chống oxy hóa.

Cụ thể, hãy bổ sung những thực phẩm sau đây vào bữa ăn hàng ngày của người bị ung thư phổi: 

Nước ép nho đỏ: Hợp chất trong nho đỏ có tác dụng tốt đối với người đang điều trị ung thư phổi có tên là resveratrol. Nó làm tăng cường hiệu quả của các thuốc điều trị ung thư phổi như aclitaxel, cisplatin và gefitinib.

 

Người bị ung thư phổi nên uống nước ép nho mỗi ngày

Nụ bạch hoa: Đây là thực phẩm có nguồn gốc từ Địa Trung Hải và một số khu vực của Châu Á. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, nụ bạch hoa chứa hợp chất là quercetin có tác dụng chống oxy hóa mạnh, ức chế sự phát triển của nhiều loại ung thư, đặc biệt là ung thư phổi, não, máu và tuyến nước bọt.

Quả lê: Đây là loại hoa quả chứa nhiều hoạt chất sinh học, đặc biệt là phloretin có tác dụng chống ung thư hiệu quả thông qua tác động vào chương trình chết tế bào. Bên cạnh đó, nó còn có tác dụng giảm xơ hóa trong phổi, tăng cường tác dụng của một số loại thuốc điều trị ung thư như cisplatin.

Bên cạnh những thực phẩm cần bổ sung, trong chế độ ăn uống của người bị ung thư phổi nên hạn chế những thực phẩm sau:

Thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo: Đây là nhóm thực phẩm được xem là cấm kỵ đối với những người bị ung thư phổi. Đặc biệt là những trường hợp có biểu hiện ho đờm trắng ở trạng thái dễ khạc nhổ, kèm theo rêu lưỡi trắng hoặc nhầy, bởi chúng có thể làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh.

 

Người bị ung thư phổi nên hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ

Đồ hun khói: Thực phẩm hun khói không chỉ không tốt cho sức khỏe nói chung, mà còn gây ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị bệnh ung thư phổi. Tốt nhất, những người đang điều trị ung thư phổi có biểu hiện ho đờm tuyệt đối không nên ăn những thực phẩm hun khói như thịt lợn, thịt dê hun khói, chả lợn nướng,… 

Thức ăn cay, nóng: Nếu người bị ung thư phổi có biểu hiện như ho đờm đặc, màu vàng, rêu lưỡi vàng, nhầy thì nên kiêng những thức ăn cay, nóng như ớt, rượu, bột cà ri,... Bởi những thực phẩm này có thể làm tăng thân nhiệt và khiến các biểu hiện trên ngày càng dữ dội hơn.