Tại Việt Nam, u phổi ác tính (ung thư phổi) là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Nhưng nếu phát hiện sớm thì bạn có thể kiểm soát bệnh hiệu quả hơn rất nhiều. Sau thời gian dài nghiên cứu, các nhà khoa học tại Cuba đã bào chế thành công CIMAvax điều trị ung thư phổi. Mặc dù được gọi tên là vắc-xin, nhưng CIMAvax không phải giải pháp phòng bệnh như vắc xin thông thường, nó giúp ức chế khối u phổi. Cụ thể như thế nào, hãy cùng tìm hiểu!

U phổi ác tính nguy hiểm như thế nào?

Trước khi tìm hiểu về mức độ nguy hiểm, hãy cùng xem u phổi là gì? U phổi là tình trạng một khối mô phổi bất thường, phát triển quá mức và không hài hòa với các tổ chức bình thường kế cận, tồn tại mãi mãi sau khi đã ngừng kích thích sinh u. U phổi được chia làm 2 loại là u phổi lành tính và u phổi ác tính (ung thư phổi). U phổi có nguy hiểm hay không phụ thuộc vào tính chất khối u. Đối với u phổi lành tính, thường không có triệu chứng, không ảnh hưởng đến sức khỏe, đôi khi chỉ cần theo dõi. Trong khi đó, u phổi ác tính cực kỳ nguy hiểm. Bệnh có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Một số ảnh hưởng nguy hiểm của ung thư phổi:

- Khó thở: Ung thư phát triển chặn đường dẫn khí chính có thể gây khó khăn khi thở. Dịch tích tụ quanh phổi, tình trạng ho liên tục cũng dẫn đến tình trạng khó thở.

- Ho ra máu: Ho là một trong những triệu chứng điển hình, xuất hiện ở khoảng 70% số ca mắc ung thư phổi. Không chỉ ho dai dẳng, ho quặn thắt ngực, bệnh nhân còn có biểu hiện ho ra máu.

- Đau tức ngực dữ dội xảy ra khi ung thư xâm lấn thần kinh liên sườn. Ngoài biểu hiện đau xương, bệnh nhân còn bị đau đầu dữ dội khi khối u di căn não.

- Tràn dịch màng phổi: Ung thư phổi có thể làm cho dịch tích tụ trong khoang bao quanh phổi, gây khó thở và khiến ung thư dễ lây lan hơn.

- Bệnh nhân thường phải chịu đựng những cơn buồn nôn, nôn ói liên tục không thuyên giảm, thường xuyên rơi vào trạng thái mệt mỏi,…

- Tử vong: Ung thư phổi giai đoạn đầu ít có biểu hiện. Ung thư tiến triển nhanh là một trong những lý do khiến đa số bệnh nhân được chẩn đoán khi bệnh đã ở giai đoạn muộn hoặc di căn, khiến cơ hội sống, điều trị giảm đi rất nhiều. Điều trị tích cực có thể kéo dài thêm thời gian sống nhưng cái chết vẫn là điều khó tránh khỏi.

Các cách kiểm soát u phổi hiện nay

Phương pháp điều trị u phổi bao gồm:

Đối với u lành tính: Đa số các trường hợp, thay vì điều trị, bác sĩ sẽ theo dõi khối u trong 1 – 2 năm để xem nó có khả năng phát triển thành ung thư hay không.

Đối với ung thư phổi: Gồm 3 phương thức điều trị chủ yếu là phẫu thuật, hoá trị và xạ trị. Việc điều trị tùy thuộc vào từng giai đoạn và loại giải phẫu bệnh.

- Phẫu thuật vẫn là giải pháp điều trị đem lại hiệu quả cao nhất. Việc cắt bỏ phụ thuộc vào vị trí của khối u. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không thể phẫu thuật thì có thể chuyển sang các cách thức điều trị u phổi còn lại.

- Hóa trị: Hóa trị là phương án điều trị bằng cách sử dụng những loại thuốc tây đặc trị để “xoá sổ” trực tiếp những tế bào u trong cơ thể. 

- Xạ trị: Giải pháp này sẽ chiếu những bức xạ ion hóa và tia X vào khu vực có khối u. Ngoại trừ việc tiêu diệt các tế bào u, xạ trị còn giúp giảm dấu hiệu của bệnh như khó thở.

Vắc-xin điều trị ung thư phổi tại Cuba

Theo CNN, các chuyên gia y tế tại Trung tâm miễn dịch học phân tử (CIM) ở ngoại ô thủ đô Havana đã bào chế được loại vắc-xin đặc biệt CIMAvax hỗ trợ điều trị ung thư phổi. Vắc-xin CIMAvax không có chức năng phòng bệnh theo như cách hiểu thông thường về công năng của vắc-xin, vì nó có khả năng ức chế sự phát triển của những khối u đã có trong cơ thể. Do vậy, CIMAvax hoạt động như một loại thuốc điều trị ung thư phổi và được gọi là "vắc-xin điều trị". Thay vì tấn công trực tiếp vào khối u, vắc-xin CIMAvax hỗ trợ tăng cường cơ chế miễn dịch cho cơ thể người bệnh, giúp có nội lực chống lại tế bào ung thư.

Loại vắc-xin này đã thu hút sự quan tâm của toàn thế giới, trong đó có các chuyên gia y học của Mỹ. Nhiều nước cũng đang tham gia các thử nghiệm lâm sàng vắc-xin này (trên 5.000 bệnh nhân khắp thế giới) như Nhật Bản và một số nước châu Âu. Trong một thử nghiệm quy mô nhỏ, những người bệnh có tuổi từ 60 trở xuống đã kéo dài thời gian sống trung bình dài hơn 11 tháng so với những người không được điều trị bằng loại vắc-xin mới. Có những trường hợp ngoại lệ như ông Orelve Alberto Sanchez Leal, 77 tuổi, một "con nghiện" thuốc lá hạng nặng. Năm 2007, ông được chẩn đoán ung thư phổi và đã chữa trị theo cách thông thường. Sau đó, ông tham gia thử nghiệm điều trị với vắc-xin CIMAvax và tới nay ông vẫn còn sống.