U phổi là một trong những căn bệnh phổ biến nhất hiện nay. Tỷ lệ người bị u phổi ác tính đang ngày càng gia tăng. Nếu không có biện pháp điều trị kịp thời, người mắc có thể tử vong sớm. Vậy u phổi ác tính là gì? Có những loại nào và cách điều trị cũng như ngăn ngừa ra sao cho hiệu quả? Mời bạn tìm hiểu trong nội dung bài viết sau.

U phổi ác tính là gì?

U phổi ác tính còn được gọi là ung thư phổi. Đây là căn bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới với đặc điểm là dễ di căn, lan từ phổi đến các hạch bạch huyết và các cơ quan khác trong cơ thể.

Ung thư bắt đầu trong phổi được gọi là ung thư phổi nguyên phát. Nếu ung thư lan đến phổi từ một nơi khác trong cơ thể, thì đây là ung thư phổi thứ phát.

Bệnh u phổi ác tính có mấy loại?

Ung thư phổi được chia thành 2 loại là: Ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ. Trong đó, ung thư phổi không tế bào nhỏ là loại phổ biến, chiếm khoảng 85% số người bị bệnh này. Mỗi loại lại có những đặc điểm khác nhau. Cụ thể như sau:

Ung thư phổi tế bào nhỏ

Ung thư phổi tế bào nhỏ được đánh giá là nguy hiểm nhất bởi khả năng lây lan nhanh chóng. Bệnh chiếm tới 15% tổng các ca bệnh. Ung thư phổi tế bào nhỏ phát triển cao gấp 2 lần những loại khác và di căn đến các bộ phận khác của cơ thể cực kỳ nhanh chóng, đồng thời, nó rất khó điều trị. Đa số các trường hợp bệnh bắt đầu ảnh hưởng đến đường dẫn khí lớn (phế quản chính và phế quản thùy). Hầu hết những người được chẩn đoán mắc phải loại ung thư này khi đã bước vào giai đoạn nặng.

Ung thư phổi không tế bào nhỏ

Ung thư phổi không tế bào nhỏ có tốc độ phát triển và di căn chậm hơn so với ung thư phổi tế bào nhỏ. Do đó, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tuổi thọ của người bệnh sẽ được kéo dài hơn. Ung thư phổi không tế bào nhỏ được chia thành các loại nhỏ hơn đó là: Ung thư biểu mô tế bào vảy, ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô tế bào lớn.

- Ung thư biểu mô tế bào vảy: Loại này chiếm khoảng 30% số người mắc ung thư phổi. Nó thường bắt đầu ở gần đường dẫn khí lớn trong phổi. Phần lớn các khối ung thư phổi tế bào vảy nằm ở vị trí trung tâm, chỗ phế quản lớn nối khí quản với phổi. Người bệnh thường cảm nhận sớm các triệu chứng như: Khó thở, thở khò khè, ho dai dẳng, ho ra máu, bị đau vai lan xuống cánh tay, cảm giác kim châm trong bàn tay, cơ thể suy yếu. Ngoài ra, khi mắc ung thư tế bào vảy, người bệnh thường dễ bị tăng canxi huyết dẫn đến yếu cơ và chuột rút. Chỉ có 15% người bị ung thư biểu mô tế bào vảy sống lâu hơn 5 năm. Tuy nhiên, nếu được theo dõi sức khỏe, phát hiện sớm và điều trị đúng cách thì tỷ lệ sống của người mắc sẽ cao hơn

- Ung thư biểu mô tuyến: Gần 40% người bị ung thư phổi là ung thư biểu mô tuyến, loại này thường bắt nguồn từ mô phổi ngoại vi. Hầu hết người bệnh có liên quan tới thói quen hút thuốc lá. Một dạng nhỏ của ung thư biểu mô tuyến đó là ung thư biểu mô tuyến phổi tại chỗ, loại này thường gặp ở những nữ giới không hút thuốc và có khả năng sống sót về lâu dài cao hơn. Hiện nay, tỷ lệ mắc phải loại bệnh này đang có dấu hiệu gia tăng.

- Ung thư biểu mô tế bào lớn: Đây là loại bệnh có thể xuất phát ở bất cứ vị trí nào của phổi và thường khó điều trị hơn hai loại trên. Bệnh khá hiếm gặp, chỉ chiếm 15% trường hợp mắc ung thư phổi. Loại bệnh này có dấu hiệu phát triển và xâm lấn nhanh hơn rất nhiều so với các loại ung thư phổi không tế bào nhỏ. Khi mắc bệnh, người mắc sẽ nhanh chóng có những triệu chứng như: Ho lâu ngày, ho ra máu,... Trước đó, họ sẽ có một số biểu hiện sớm như: Mệt mỏi, khó thở, đau lưng, vai, ngực,... Ngoài ra, loại ung thư này có thể gây tràn dịch màng phổi và di căn đến thành ngực gây đau đớn, tức ngực mỗi khi người bệnh hít thở sâu. Khả năng sống trên 5 năm của những người bị ung thư biểu mô tế bào lớn là rất thấp, chỉ chiếm khoảng 18%.

Cách ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị u phổi hiệu quả, an toàn

Để ngăn ngừa u phổi nói chung, ung thư phổi nói riêng hiệu quả, bạn cần:

- Bỏ hoặc không hút thuốc lá.

- Ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật.

- Tránh các loại khí độc.

- Thường xuyên tập thể dục, thể thao.

- Thói quen sinh hoạt lành mạnh.