Sự hình thành các khối u ở phổi gây ra lo lắng với nhiều người. Bởi tình trạng trên kéo dài sẽ là nguồn cơn dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm, trong đó có ung thư phổi. Vậy đâu là thủ phạm giấu mặt đứng đằng sau hiện tượng trên? Nếu bạn đang có chung thắc mắc về chủ đề này, hãy cùng đến với thông tin bài viết sau đây!

U phổi là bệnh gì?

Câu hỏi “u phổi là gì?” là thắc mắc của rất nhiều người khi bị chẩn đoán mắc bệnh. Họ lo sợ rằng, mình đã mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, vô phương cứu chữa và gần như đã nhận được “bản án tử hình”. Vậy sự thực có phải như vậy?

Chuyên gia giải đáp rằng, u phổi là tình trạng một khối mô phổi phát triển quá mức, bất thường và không hài hòa với các tổ chức kế cận, tồn tại mãi mãi sau khi đã ngừng kích thích sinh u.

Mức độ nguy hiểm của căn bệnh này còn phụ thuộc vào tính chất khối u, giai đoạn phát hiện bệnh và sức khỏe toàn trạng của người mắc. U phổi được chia làm 2 loại chính, bao gồm u phổi lành tính và u phổi ác tính. Cụ thể, u phổi lành tính thường phát triển, khu trú ở phổi và không có khả năng xâm nhập, di căn tới các vị trí xa. Ngược lại, sự phát triển của u phổi ác tính thường kèm theo xâm nhập, lan tỏa và phá hủy dần mô xung quanh. Đây là một trong những nguyên nhân khiến bệnh u phổi ác tính gặp nhiều khó khăn trong điều trị hơn so với u lành tính.

Nguyên nhân gây u phổi

Một trong những sát thủ hàng đầu gây ra u phổi chính là khói thuốc lá. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hút thuốc lá gây ra 70% các trường hợp tử vong do u phổi ác tính trên toàn thế giới. Cụ thể, những con số thống kê dưới đây sẽ khiến bạn bất ngờ về mức độ nguy hiểm của tác nhân này đối với bệnh u phổi:

- Người nghiện thuốc lá trước năm 15 tuổi có nguy cơ mắc u phổi cao gấp 4 lần so với người hút thuốc sau 25 tuổi.

- Bỏ hút thuốc lá trên 10 năm sẽ làm giảm nguy cơ mắc u phổi từ 30 - 50%.

- Khói thuốc lá chứa khoảng 40 chất gây u ác tính như nicotin, acetone, oxide carbon, arsen, benzene, hydrogen cyanide, formaldehyde, ammonia. 

- Người sống chung với người nghiện thuốc lá có nguy cơ bị u phổi ác tính cao hơn từ 20 - 30% so với bình thường.

Hút thuốc lá là nguyên nhân trực tiếp gây u phổi

Ngoài ra, môi trường làm việc ô nhiễm như: Nhiều khói bụi, tiếp xúc với tia phóng xạ hay làm việc trong môi trường luyện thép, niken, crom và khí than cũng là tác nhân gây u phổi.

Bật mí 7 cách phòng ngừa khối u ở phổi

Ngày nay, tỷ lệ mắc u phổi đang ngày càng có xu hướng gia tăng. Do vậy, bạn cần tìm hiểu kỹ những biện pháp phòng tránh bệnh từ sớm để giảm bớt nguy cơ mắc phải căn bệnh này.

Dừng hút thuốc lá, tránh tiếp xúc với khói thuốc lá

Khói thuốc lá có chứa hàng ngàn hóa chất độc hại, trong số đó có cả những chất gây ung thư. Việc hút thuốc lá thường xuyên không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn mà còn lây lan sang cả những người xung quanh. Bởi những người hít phải khói thuốc lá cũng dần dần bị ảnh hưởng và dễ có nguy cơ mắc u phổi và bệnh ung thư phổi về sau. Vậy nên, bạn cần chủ động dừng ngay thói quen hút thuốc lá và hạn chế tiếp xúc với những nơi có khói thuốc độc hại.

Ăn uống lành mạnh

Để phòng ngừa bệnh lý u phổi từ sớm, bạn nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học với nhiều rau xanh, trái cây để cung cấp đủ vitamin và các khoáng chất thiết yếu nhằm giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt, đồng thời hỗ trợ cơ thể đẩy lùi nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm khác. Một số loại thực phẩm bạn nên tích cực ăn là bông cải xanh, súp lơ, cà chua, việt quất, ngũ cốc nguyên hạt...

Súp lơ là thực phẩm chống oxy hóa cực hiệu quả

Tránh xa nguồn không khí ô nhiễm

Ô nhiễm không khí từ nước thải sinh hoạt, khói bụi xe cộ,... hàng ngày đều có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh u phổi. Do đó, bạn cần chú ý vệ sinh nơi ở hàng ngày, sử dụng các biện pháp bảo vệ hệ hô hấp như đeo khẩu trang, mặc áo chống nắng khi tham gia giao thông.

Đeo khẩu trang khi ra đường giúp phòng ngừa u phổi hiệu quả

Hạn chế tiếp xúc với hóa chất tại nơi làm việc

Nếu đặc thù công việc của bạn phải tiếp xúc với các hóa chất độc hại thường xuyên thì nên chú ý thực hiện theo đúng những chỉ dẫn an toàn. Có hơn 40 chất là tác nhân gây u phổi liên quan đến môi trường làm việc như amiăng, crôm, niken,... và việc tiếp xúc thường xuyên mà không có phương pháp bảo vệ nào rất dễ làm tăng nguy cơ phát triển thành bệnh ung thư phổi.

Ngoài ra, bạn cũng nên kiểm tra mức khí radon trong nhà của mình. Radon được biết tới là một chất khí phóng xạ đặc biệt nguy hiểm và có thể làm tăng nguy cơ phát triển u phổi thành bệnh ung thư. Nó được hình thành từ uranium phân hủy tự nhiên, trong khi đó, uranium lại xuất hiện trong đất, nước, hay đá ở chính ngôi nhà của bạn.

Tập thể dục thường xuyên

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, việc tập luyện hàng ngày cũng giúp cải thiện sức khỏe và phòng ngừa sự hình thành các khối u ở phổi hiệu quả. Mặt khác, cân nặng dư thừa lại có liên quan mật thiết tới nhiều loại bệnh ung thư khác nhau. Vậy nên, việc tập thể dục đều đặn sẽ vừa giúp kiểm soát cân nặng hợp lý, vừa tăng cường sức khỏe và chống lại căn bệnh u phổi.

Hạn chế sử dụng rượu bia

Rượu nếu sử dụng quá nhiều có thể dẫn đến rất nhiều bệnh lý nguy hại, trong đó có cả bệnh u phổi. Khi bạn cứ vô tư uống rượu bia thường xuyên thì những chất độc hại sẽ dần dần ngấm vào phổi và làm tăng cao nguy cơ mắc bệnh. Do đó, bạn cần chú ý hạn chế việc sử dụng những loại đồ uống này để giảm bớt nguy cơ mắc bệnh lý u phổi.

Đi kiểm tra sức khỏe định kỳ

Ngoài những cách phòng ngừa trên, bạn cũng nên chủ động đi khám sức khỏe định kỳ mỗi năm, nhất là với những người hút thuốc lá thường xuyên, người có tiền sử gia đình mắc bệnh u phổi,... Có rất nhiều phương pháp như chụp CT, X-quang, xét nghiệm máu,... giúp bạn phát hiện được ra bệnh ngay từ sớm, kể cả khi chưa có những triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài. Nhờ việc khám sức khỏe này, bạn sẽ tầm soát được bệnh lý u phổi để kịp thời có phương pháp chữa trị giúp đạt hiệu quả cao.

Khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bệnh