U phổi ác tính còn được biết đến với tên gọi quen thuộc là ung thư phổi và đây cũng chính là một trong 10 loại ung thư gây tử vong cao nhất trên thế giới. Ai cũng biết hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến căn bệnh này. Tuy nhiên, trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp mắc ung thư phổi nhưng lại không có thói quen sử dụng thuốc lá hoặc thậm chí là chưa bao giờ hút thuốc trong đời. Vậy tại sao không hút thuốc mà vẫn bị u phổi ác tính? Hãy tìm hiểu trong bài viết sau.

U phổi ác tính là gì?

U phổi ác tính (hay ung thư phổi) là sự tăng sinh không kiểm soát các tế bào mô phổi. Nếu không được điều trị, sự tăng trưởng tế bào này có thể lan ra ngoài phổi đến mô, hạch bạch huyết và phát triển ở các bộ phận khác của cơ thể, quá trình này còn gọi là di căn. Giáo sư Rafael Molina, Chủ tịch Hội Ung thư và Dấu ấn Sinh học quốc tế cho biết, hiện có khoảng 1,8 triệu người trên thế giới mắc u phổi ác tính mỗi năm. Trong đó 1,6 triệu người tử vong, tương đương mỗi phút trôi qua có 3 người chết vì căn bệnh này. Do vậy có thể thấy u phổi ác tính là một căn bệnh nguy hiểm bởi:

- Khó phát hiện ở giai đoạn sớm: Trong giai đoạn đầu của u phổi ác tính, các triệu chứng không rõ ràng và rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý đường hô hấp thông thường khác.

- Khó điều trị: Do được phát hiện chủ yếu ở giai đoạn muộn nên việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn, tiên lượng sống của bệnh nhân thường kém, tỷ lệ tử vong lên đến 90% sau một năm kể từ khi phát hiện bệnh.

U phổi ác tính là căn bệnh rất khó điều trị

- Tế bào u phổi ác tính phát triển nhanh: Mức độ phát triển của tế bào u phổi là rất nhanh. Một bệnh nhân nếu được phát hiện ung thư phổi tế bào nhỏ mà không được điều trị thì sẽ chỉ sống được khoảng từ 12 đến 15 tuần, còn khi ở giai đoạn muộn rồi thì chỉ sống được 6 đến 9 tuần.

- Dễ tái phát sau phẫu thuật: Việc loại bỏ hoàn toàn các tế bào u phổi ác tính bằng biện pháp phẫu thuật là vô cùng khó khăn, do đó, nếu chỉ còn lại vài tế bào u phổi trong cơ thể nó cũng có thể phát triển lại thành các khối u phổi lớn.

- Các yếu tố nguy cơ ngày càng gia tăng: Với sự phát triển của công nghiệp ngày càng mạnh, việc phơi nhiễm với khói bụi thường xuyên càng làm gia tăng khả năng mắc và tái phát u phổi ác tính.

Đa phần các trường hợp bị u phổi ác tính (85%) có nguyên nhân bắt nguồn từ thói quen hút thuốc lá trong một thời gian dài. Khoảng 10 - 15% còn lại, bệnh xảy ra ở những người chưa từng hút thuốc.

Tại sao không hút thuốc lá mà vẫn bị u phổi ác tính?

Các chuyên gia cho biết, khoảng 90% người mắc u phổi ác tính có tiền sử hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc (hút thuốc lá bị động) trong thời gian dài. Theo Cancer, thống kê tại Mỹ cho thấy trong số những người chết vì ung thư phổi mỗi năm, có đến 20% được cho là không bao giờ hút thuốc. Vậy tại sao những trường hợp không tiếp xúc với thuốc lá mà vẫn có nguy cơ mắc u phổi ác tính?

Bác sĩ Vicent Lam – tại chuyên khoa ung thư phổi của Trung tâm Ung thư MD Anderson (Mỹ) cho biết: Có sự khác biệt giữa 2 nhóm mắc ung thư phổi do hút thuốc và không hút thuốc. Cụ thể, những người bị ung thư phổi không hút thuốc thường là phụ nữ, có xu hướng trẻ hơn người hút thuốc hoặc từng hút thuốc. Các khối u ở 2 nhóm này cũng có khuynh hướng đột biến di truyền khác nhau. Điều này giải thích tại sao những người không hút thuốc bị ung thư phổi thường sống lâu hơn những từng hút thuốc mắc bệnh. Một số nguy cơ gây ung thư phổi ngoài thuốc lá bao gồm:

Khí radon

Theo Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), khí radon là nguyên nhân dẫn đến u phổi ác tính hàng đầu ở người không hút thuốc lá. Radon xuất hiện tự nhiên ngoài trời với số lượng vô hại, nhưng đôi khi chúng tập trung trong các ngôi nhà được xây dựng trên vùng mỏ uranium. Đây là loại khí có thể nhìn thấy hoặc ngửi mùi, kiểm tra bằng dụng cụ tại nhà.

Hít phải khói thuốc

Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 7.000 người trưởng thành trên thế giới tử vong vì ung thư phổi do hít phải khói thuốc lá. Nhiều quốc gia cấm hút thuốc ở nơi công cộng đã giúp giảm thiểu nguy cơ này.

Môi trường làm việc có tác nhân ung thư

Đối với một số người, nơi làm việc là nguồn tiếp xúc với các chất gây ung thư như: Amiăng, khí thải diesel. Bụi amiăng là chất rất trơ, như mảnh vụn thủy tinh, sợi rất mảnh. Khi người lao động khai thác, nghiền, chế tạo amiăng, những hạt bụi này đi vào trong phổi, có thể vào tận đáy phế nang hoặc các nội bào, tạo thành vết thương, lâu dần tạo thành khối u. Ban đầu, chúng chỉ là u lành. Tuy nhiên, trong quá trình biến đổi của cơ thể, khối u đó có thể sinh sôi, phát triển thành khối u ác tính.

Ô nhiễm không khí

Ô nhiễm không khí là một trong những yếu tố góp phần gây ung thư phổi, các tác nhân bao gồm: Khói bụi xe, nhà máy điện, bếp lò và những nguồn khác có thể phát tán các hạt nhỏ vào không khí.

Ô nhiễm không khí là một trong những nguyên nhân gây u phổi ác tính

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 3 tỷ người trên thế giới đang nấu ăn và sưởi ấm bằng các nhiên liệu rắn (gỗ và than) hoặc bằng lửa. Đun nấu trong môi trường kém thoáng khí dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà, góp phần tăng nguy cơ ung thư phổi.

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc hiểu rõ về mức độ nguy hiểm của căn bệnh u phổi ác tính. Để cải thiện và phòng ngừa bệnh hiệu quả, hãy thuân thủ phác đồ điều trị của chuyên gia bạn nhé!