U phổi ác tính là một trong những bệnh nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao trên thế giới. Nhiều người thắc mắc: Bị u phổi ác tính sống được bao lâu? Làm thế nào để khắc phục các triệu chứng của bệnh hiệu quả mà vẫn an toàn? Mời các bạn cùng tìm hiểu thông tin trong nội dung bài viết sau. 

U phổi ác tính là gì?

Phổi là cơ quan quan trọng trong cơ thể con người, chịu trách nhiệm thực hiện chức năng hô hấp. Khi bạn hít thở, oxy từ không khí có thể vào máu và đến các cơ quan để cho phép cơ thể hoạt động bình thường. U phổi ác tính hay ung thư phổi là sự phát triển không kiểm soát của các tế bào lạ xuất phát từ phổi. Các tế bào lạ này có thể phát triển lớn hơn và can thiệp vào hoạt động bình thường của phổi. Có hai loại ung thư phổi chính, bao gồm:

- Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (NSCLC) là loại ung thư phổi phổ biến nhất, chiếm 85 - 90%.

- Ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC) chiếm khoảng 10 - 15% của tất cả các trường hợp ung thư phổi.

Hình ảnh minh họa u phổi ác tính

Ung thư phổi tế bào nhỏ phát triển nhanh và lan rộng đến các cơ quan khác nhiều hơn so với ung thư phổi không phải tế bào nhỏ. Ngược lại, ung thư phổi không phải tế bào nhỏ thường phát triển chậm hơn ung thư phổi tế bào nhỏ và có xu hướng bị giới hạn tại phổi trong một thời gian dài.

Khi đã được chẩn đoán mắc ung thư phổi, người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm kiểm tra xương, não và phần còn lại của cơ thể để xác định xem ung thư có lan sang cơ quan khác hay không.

Bị u phổi ác tính sống được bao lâu?

U phổi ác tính thường tiến triển âm thầm, khó phát hiện sớm và tiên lượng khá dè dặt. Theo các chuyên gia u bướu, rất khó để đưa ra con số chính xác về tỉ lệ sống cho bệnh nhân mắc ung thư phổi. Tuổi thọ của người bệnh phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như loại ung thư phổi; giai đoạn bệnh; chủng tộc và giới tính; tuổi tác, thể trạng và mức độ đáp ứng điều trị cũng như mong muốn của bệnh nhân, phác đồ điều trị và điều kiện của từng cơ sở y tế.

Bị u phổi ác tính sống được bao lâu?

Trong những năm gần đây, tuổi thọ của những người mắc u phổi ác tính đã được cải thiện đáng kể. Vào giữa những năm 1970, tỉ lệ sống sau 5 năm là khoảng 12,2%. Đến năm 2010, con số này đã tăng lên 17,3%. Một số yếu tố quan trọng, ảnh hưởng lớn tới tiên lượng sống của bệnh nhân ung thư phổi bao gồm:

Loại ung thư phổi

Dựa vào đặc điểm mô bệnh học, Tổ chức y tế thế giới WHO chia ung thư phổi thành 2 loại chính là: Ung thư phổi tế bào nhỏ (chiếm khoảng 15%) và ung thư phổi không tế bào nhỏ (chiếm khoảng 85%). Trong đó, ung thư phổi tế bào nhỏ thường tiến triển và lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể nhanh hơn nên điều trị rất khó khăn, tiên lượng cũng dè dặt hơn so với ung thư phổi không tế bào nhỏ.

Giai đoạn bệnh

Càng phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm, tiên lượng bệnh sẽ càng khả quan hơn. Cụ thể:

- Ung thư phổi tế bào nhỏ: Nếu khối u chỉ nằm trong phổi và không lan sang các bộ phận khác của cơ thể, tỉ lệ sống sau 5 năm là khoảng 23,3% (theo dữ liệu của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ). Nếu khối u đã lan đến khu vực - bao gồm cả các hạch bạch huyết lân cận hoặc ở xa – tỉ lệ sống 5 năm giảm xuống còn 14,4%. Nếu khối u ác tính đã tiến triển và xâm lấn đến các phần xa của cơ thể, tỉ lệ sống 5 năm chỉ còn là 2,8%.

- Ung thư phổi không tế bào nhỏ: Ở giai đoạn sớm, khi khối u không lây lan, tỉ lệ sống 5 năm là 49%. Nếu đã lan đến khu vực lân cận, tỉ lệ sống 5 năm giảm xuống 30%. Ở giai đoạn cuối cùng, khi ung thư xâm lấn gan, não, xương,… tiên lượng sống chỉ còn 1%.

Tiên lượng cho người mắc u phổi ác tính phụ thuộc vào giai đoạn bệnh

Chủng tộc

Người mắc u phổi ác tính ở các khu vực địa lý khác nhau có tỉ lệ sống khác nhau. Nhìn chung, khoảng 50 trong số 100.000 người ở Hoa Kỳ tử vong vì ung thư phổi mỗi năm; cao hơn người Mỹ gốc Phi. Người Châu Á và người gốc Tây Ban Nha có tỉ lệ tử vong do bệnh thấp nhất.

Giới tính

Tỉ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân mắc ung thư phổi cũng phụ thuộc vào giới tính, cụ thể nam giới thường có tuổi thọ thấp hơn nữ giới. Năm 2009, tỷ lệ sống 5 năm là 15,0% đối với nam và 19,9% đối với nữ. Đối với những trường hợp ung thư phổi tế bào nhỏ, nam giới có 5,1% cơ hội sống ít nhất 5 năm, trong khi nữ giới có 7,8% cơ hội sống 5 năm. Đối với những người bị ung thư phổi tế bào không nhỏ, tỷ lệ sống 5 năm là 16,4% với nam và 21,9% với nữ.

Phương pháp điều trị

Tùy theo loại ung thư, giai đoạn bệnh, mức độ xâm lấn, khả năng đáp ứng với điều trị, sức khỏe người bệnh,… mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ phù hợp. Có 3 phương pháp điều ung thư phổi phổ biến hiện nay:

- Phẫu thuật: Phương án này áp dụng cho những trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, khối u còn nhỏ và chưa lan rộng. Điều đáng tiếc là đa số các trường hợp ung thư phổi ở Việt Nam thường phát hiện ở giai đoạn muộn và không thể áp dụng biện pháp này.

- Xạ trị: Mục tiêu của xạ trị là phá hủy tế bào ung thư khi còn nhỏ và không có di căn hoặc ngăn ngừa sự phát triển của khối u.

Xạ trị cho người mắc u phổi ác tính

- Hóa trị: Điều trị ở giai đoạn muộn, các trường hợp chống chỉ định hoặc bệnh nhân từ chối phẫu thuật, tia xạ.

Ngoài ra, tuổi tác, sức khỏe, mức độ đáp ứng điều trị, mong muốn và tâm lý cũng là những yếu tố quyết định thời gian sống của bệnh nhân ung thư phổi.