Bệnh ung thư phổi tái phát là tình trạng mắc bệnh trở lại sau khi đã điều trị. Tái phát ung thư phổi xảy ra thường xuyên, ngay cả với các khối u giai đoạn đầu. Vậy tình trạng này diễn ra như thế nào? Nguyên nhân ung thư phổi tái phát do đâu? Những thắc mắc trên sẽ được giải đáp trong bài viết sau đây!

Ung thư phổi tái phát là tình trạng khá phổ biến

Tình trạng ung thư phổi tái phát có thể được xác định bởi nơi nó xảy ra:

- Tái phát cục bộ là khi ung thư quay trở lại phổi, gần vị trí của khối u ban đầu. 

- Tái phát khu vực là khi ung thư tái phát trong các hạch bạch huyết gần vị trí của khối u ban đầu. 

- Tái phát xa là khi vị trí ung thư phổi tái phát ở xa khối u ban đầu, đến các cơ quan khác như trong xương, não, tuyến thượng thận hoặc gan.

Khả năng bệnh ung thư phổi tái phát phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm loại ung thư liên quan, giai đoạn ung thư tại thời điểm chẩn đoán và cách điều trị bệnh ban đầu. Hầu hết bệnh ung thư phổi tái phát có xu hướng kéo dài từ 2 - 5 năm kể từ khi chẩn đoán ban đầu, cụ thể tùy thuộc vào loại ung thư liên quan:

Ung thư phổi không tế bào nhỏ

Trong số những người mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ - dạng bệnh phổ biến nhất, từ 30 - 55% sẽ bị tái phát. Nguy cơ tái phát thay đổi tùy theo giai đoạn bệnh. Cụ thể, khoảng 3 trong số 10 người sẽ bị tái phát với ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn 1; 7 trong 10 người ở ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn 4.

Ung thư phổi tế bào nhỏ

Theo thống kê, khoảng 7/10 người mắc ung thư phổi tế bào nhỏ sẽ bị tái phát, thường trong vòng từ 1 - 2 năm. 

Bệnh phát triển chỉ qua 2 giai đoạn là hạn chế và lan rộng nên không có gì ngạc nhiên khi những người mắc ung thư phổi tế bào nhỏ thường dễ tái phát hơn. Tuy nhiên, sự tái phát của ung thư phổi tế bào nhỏ sau 5 năm sống sót là rất hiếm.

Nguyên nhân gây ung thư phổi tái phát

Thông thường, ung thư phổi tái phát là do sự lây lan của khối u ác tính ban đầu. Ngay cả sau khi điều trị, vẫn có tế bào ung thư tồn tại và giảm xuống dưới mức phát hiện của các xét nghiệm hình ảnh. Những tế bào này có khả năng “gieo mầm” một khối u mới tại vị trí ban đầu hoặc được vận chuyển qua đường máu hay hệ thống bạch huyết đến các bộ phận xa trong cơ thể.

Hơn nữa, các phương pháp điều trị được sử dụng để tiêu diệt tế bào ung thư có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, tăng nguy cơ mắc một bệnh ung thư hoàn toàn mới. Một ví dụ điển hình liên quan đến liệu pháp bức xạ, trong đó, tiếp xúc với bức xạ liều cao có thể khiến người bệnh phát triển một loại ung thư hoàn toàn mới trong các mô bị chiếu xạ.

 Nguyên nhân gây ung thư phổi tái phát là gì?

Nguyên nhân gây ung thư phổi tái phát là gì?

Triệu chứng của ung thư phổi tái phát

Các triệu chứng của bệnh ung thư phổi tái phát phụ thuộc vào nơi nó xảy ra. Cụ thể như sau: 

- Ung thư phổi tái phát tại chỗ hoặc trong các hạch bạch huyết gần khối u ban đầu: Ho dai dẳng, ho ra máu, khó thở, thở khò khè, viêm phổi.

- Ung thư phổi tái phát tại xương: Đau sâu ở ngực, lưng, vai hoặc tứ chi.

- Ung thư phổi tái phát tại não: Chóng mặt, suy giảm thị lực, điếng người ở một bên cơ thể, mất khả năng phối hợp.

- Ung thư phổi tái phát tại gan: Đau bụng, vàng da và mắt, ngứa, lú lẫn.

Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp các triệu chứng tổng quan như mệt mỏi và giảm cân không rõ nguyên nhân.

Với ung thư phổi không tế bào nhỏ, khoảng 83% các trường hợp tái phát sẽ là di căn, xảy ra ở những bộ phận xa của cơ thể hơn là gần vị trí của khối u ban đầu. Do đó, các triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào vị trí của khối u di căn (thường gặp nhất là gan, não hoặc xương).

Với ung thư phổi tế bào nhỏ, các mô hình tương tự sẽ phát triển, phần lớn sẽ là bệnh trên diện rộng chứ không phải ở giai đoạn hạn chế. Nhiều khi sẽ xảy ra tình trạng hệ thống miễn dịch phản ứng và tấn công tế bào bình thường của hệ thần kinh trung ương, gây mất các kỹ năng vận động, nói lắp, đi lại hoặc nuốt khó khăn, suy giảm trí nhớ và co giật.