U phổi ác tính là bệnh lý ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội hiện đại, cướp đi sinh mạng của nhiều người. Vậy cụ thể, nguyên nhân gây u phổi ác tính và những biến chứng nguy hiểm của bệnh là gì? Để có câu trả lời chính xác nhất cho vấn đề trên, mời bạn đọc cùng theo dõi nội dung bài viết dưới đây!

Thực trạng mắc u phổi ác tính hiện nay

U phổi ác tính hay ung thư phổi là một khối u ác tính phát triển từ biểu mô phế quản, tiểu phế quản, phế nang hoặc từ các tuyến của phế nang.

Hiện nay, u phổi ác tính đứng đầu trong các bệnh ung thư thường gặp về cả tỷ lệ mắc mới và tỷ lệ tử vong. Ở Việt Nam, u phổi ác tính xếp vị trí thứ 2 sau ung thư gan, với khoảng 23.600 người phát hiện mắc mới và 20.700 người tử vong mỗi năm. Theo đó, hiện nay ở nước ta, u phổi ác tính đang là một trong số những bệnh có tỷ lệ tử vong hàng đầu, đặc biệt là ở nam giới. 

Theo giới chuyên gia, nếu phát hiện muộn, việc điều trị u phổi ác tính sẽ vô cùng hạn chế, chi phí rất cao và thời gian sống còn lại cũng không nhiều. Phát hiện bệnh sớm sẽ giúp giảm nguy cơ di căn và tăng tuổi thọ cho người mắc. 

Nguyên nhân gây u phổi ác tính

Hai lá phổi trong lồng ngực có chức năng hấp thu oxy khi hít vào và thải carbon dioxide lúc thở ra. Chính vì vậy, các bệnh lý ở phổi nói chung và u phổi ác tính nói riêng có liên quan chặt chẽ đến môi trường không khí. Dưới đây là những tác nhân hàng đầu gây bệnh u phổi cần chú ý:

Khói thuốc lá

Theo chuyên gia, bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc u phổi ác tính, nhưng 90% các trường hợp liên quan đến thói quen hút thuốc. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), những người hút thuốc lá có khả năng mắc u phổi ác tính cao gấp 15 - 30 lần so với bình thường. Ngay cả khi không hút thuốc, nguy cơ cũng sẽ tăng lên nếu tiếp xúc với khói thuốc thường xuyên (hút thuốc lá thụ động).

Khi khói thuốc lá vào cơ thể, nó sẽ làm tổn thương mô phổi. Tuy phổi có thể sửa chữa những tổn thương này, nhưng việc hít khói thuốc mỗi ngày sẽ dần dần làm mất đi khả năng tự chữa lành. Khi các tế bào phổi bị tổn thương, chúng sẽ bắt đầu hoạt động một cách bất thường, làm tăng khả năng phát triển khối u ác tính ở đường hô hấp. 

Tiếp xúc với radon

Theo Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ, tác nhân thứ 2 dẫn đến khối u ở phổi là người bệnh tiếp xúc với radon - loại khí phóng xạ tồn tại trong tự nhiên. Radon xâm nhập vào các tòa nhà thông qua những vết nứt nhỏ trên nền móng. Những người vừa hút thuốc lá vừa tiếp xúc với khí radon có nguy cơ bị u phổi ác tính rất cao. 

Hấp thu khí độc hại

Việc hít phải các chất độc hại khác trong thời gian dài sẽ dẫn đến xơ phổi. Nguy cơ mắc khối u ác tính sẽ tăng gấp 7 lần nếu hiện tượng phổi bị xơ hóa tiến triển. Một số chất được coi là tác nhân gây bệnh bao gồm silic, amiăng, thạch tín, cadimi, crom, niken, uranium,… 

Biến đổi gen di truyền

Các đột biến gen di truyền cũng làm tăng nguy cơ mắc u phổi ác tính. Nguy cơ này tăng lên nếu người mắc bệnh nghiện thuốc lá hoặc tiếp xúc với các chất gây u ác tính khác. 

Trải qua quá trình xạ trị

Nếu đã trải qua quá trình xạ trị vùng ngực vì một loại ung thư khác, khả năng phát triển thành u ác tính ở phổi là có thể xảy ra.

Xạ trị vùng ngực làm tăng nguy cơ mắc u phổi ác tính

Xạ trị vùng ngực làm tăng nguy cơ mắc u phổi ác tính

Biến chứng của bệnh u phổi ác tính

U phổi ác tính có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, đó là: 

Khó thở

Người bị u phổi ác tính sẽ bị khó thở nếu tế bào ác tính phát triển làm tắc nghẽn đường hô hấp chính. Bệnh cũng khiến chất lỏng tích tụ xung quanh phổi, làm cơ quan này khó giãn nở hoàn toàn khi hít vào. 

Ho ra máu

Khối u phổi phát triển có thể gây chảy máu trong đường hô hấp, khiến người bệnh gặp tình trạng ho ra máu.

Tràn dịch màng phổi

Tình trạng này được lý giải là do chất lỏng tích tụ quá mức trong khoang màng phổi, tràn ra không gian bao quanh phổi. Hệ quả là đôi lúc người bệnh cảm thấy khó thở. 

Di căn

Tế bào ác tính di căn đến các cơ quan khác của cơ thể như não và xương, khiến chúng bị tổn thương nặng nề, gây ra những cơn đau đớn, buồn nôn cùng các triệu chứng khác. Một khi khối u này đã lan ra ngoài phổi, bệnh thường không thể chữa khỏi. Mọi phương pháp điều trị chỉ nhằm làm giảm nhẹ các triệu chứng, kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. 

Tế bào ác tính có khả năng di căn đến nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể

Tế bào ác tính có khả năng di căn đến nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể