Thống kê cho thấy, hiện nay, ở Việt Nam, ung thư phổi đang là một trong số những bệnh ung thư có tỷ lệ tử vong hàng đầu, đặc biệt là nam giới. Điều đáng nói, đây là căn bệnh gia tăng theo cấp số nhân qua từng năm. Để hiểu rõ hơn về căn bệnh nguy hiểm này, mời bạn đọc cùng theo dõi nội dung bài viết dưới đây!

Ung thư phổi chia thành mấy giai đoạn?

Ung thư phổi là sự sinh sản và tăng trưởng vô độ của các tế bào bất thường trong phổi, không tuân theo sự kiểm soát của cơ thể, gây cản trở đến chức năng của phổi. Theo giới chuyên gia, ung thư phổi hình thành và phát triển theo 4 giai đoạn chính. Mức độ bệnh ung thư phổi nặng dần theo từng giai đoạn, cụ thể:

- Giai đoạn 1: Tế bào ung thư hình thành và phát triển ở một bên lá phổi. Khối u có kích thước rất nhỏ và chưa lây lan ra các khu vực rộng.

- Giai đoạn 2: Tế bào ung thư bắt đầu xâm lấn và lan ra các vị trí xung quanh làm kích thước khối u phổi to dần.

- Giai đoạn 3: Tế bào ung thư có kích thước lớn, bắt đầu di căn sang các vị trí khác như màng phổi, thành ngực, hạch bạch huyết,…

- Giai đoạn 4: Tế bào ung thư di căn sâu vào các bộ phận trong cơ thể như não, xương, thực quản, thanh quản.

Ung-thu-phoi-la-benh-thuong-phat-hien-o-giai-doan-muon.jpg 

Ung thư phổi là bệnh thường phát hiện ở giai đoạn muộn

Thông thường, tỷ lệ phát hiện bệnh chủ yếu ở giai đoạn 3, 4 được gọi là các giai đoạn muộn của bệnh. Đây cũng là cấp độ cực kỳ nguy hiểm, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh bất cứ lúc nào.

Bệnh ung thư phổi thường gặp ở người bao nhiêu tuổi?

Ung thư phổi là bệnh cực kỳ nguy hiểm do tế bào ác tính có khả năng nhân lên nhanh chóng, tiến triển nhanh, tiên lượng sống dè dặt. Độ tuổi thường mắc ung thư phổi là quan tâm của nhiều người. Theo giới chuyên gia, ung thư phổi ít khi được chẩn đoán ở người dưới 40 tuổi. Trên 55 tuổi là độ tuổi có nguy cơ mắc ung thư phổi cao. Bệnh phổ biến ở nam giới hơn nữ giới.

Điều trị ung thư phổi bằng phương pháp hóa trị sống được bao lâu?

Ngày nay, ung thư phổi thường được điều trị bằng 3 phương pháp truyền thống đó là phẫu thuật, xạ trị, hóa trị. Do thường được phát hiện ở giai đoạn muộn nên một trong những phương pháp phổ biến đó là hóa trị. Vậy hóa trị ung thư phổi sống được bao lâu? Câu trả lời đó là tùy thuộc vào giai đoạn phát hiện và điều trị bệnh:

Hóa trị ở giai đoạn khu trú: Khối u giới hạn ở 1/2 lồng ngực và hạch vùng, bao gồm hạch trung thất và hạch thượng đòn cùng bên. Mục đích của hóa trị ở giai đoạn này là triệt căn, tức là nhằm tiêu diệt khối u. Nếu phát hiện và điều trị ở giai đoạn khu trú, thời gian sống của người bệnh là 14 tháng.

Hóa trị ở giai đoạn lan tràn: Tế bào ung thư phát triển vượt quá giới hạn các vùng trên, có thể bao gồm tràn dịch màng phổi, màng tim ác tính hoặc di căn đến những bộ phận khác theo đường máu. Ở giai đoạn này, hoá chất đơn thuần có thể giúp cải thiện triệu chứng và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Nếu điều trị khi khối u đã lan tràn, thời gian sống của người bệnh là 7 - 9 tháng.

Thường xuyên bị viêm phổi liệu có thể dẫn đến ung thư phổi hay không?

Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng nhu mô phổi bao gồm ống phế nang, túi phế nang và các tổ chức mô kẽ, tiểu phế quản tận (nơi nối liền với các phế nang). Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm phổi nhưng tái cấu trúc đường thở là một trong những căn nguyên “cốt lõi” gây ra bệnh này. Tình trạng viêm, nhiễm trùng đường thở lâu ngày sẽ khiến cho phế quản, phổi dần trở nên xơ hóa, tái cấu trúc. Lúc này, các tế bào chất nhầy bị phá hủy, thành phế quản dày lên, mất đi tính đàn hồi, mềm mại vốn có, làm cho khí đọng lại bên trong phế nang, kích thích niêm mạc đường thở gây ho, khó thở, mệt mỏi kéo dài.

Bên cạnh đó, tái cấu trúc đường thở còn làm cho niêm mạc phổi, phế quản tăng nhạy cảm với tác nhân có hại gây viêm, khiến cho các tế bào tăng tiết đờm dãi. Hậu quả là gây bít tắc đường thở, làm xuất hiện các cơn ho đờm đặc kéo dài. Quá trình tái cấu trúc diễn ra thường xuyên, liên tục có thể dẫn tới xơ sẹo và dần dần hình thành khối u ở phổi. Ngoài ra, tái cấu trúc còn làm suy giảm hệ miễn dịch của đường hô hấp, giảm khả năng nhận biết và tiêu diệt tế bào lạ của cơ thể. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến ung thư phổi có cơ hội hình thành và phát triển.