Trong những ngày qua, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới diễn ra rất phức tạp. Số ca mắc và tử vong do bệnh đang có xu hướng tăng nhanh trên toàn cầu. Các nhà khoa học cho biết, đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm chủng virus này là những người bị suy giảm hệ miễn dịch hoặc mắc các bệnh lý mạn tính, trong đó có ung thư phổi. Tại sao lại như vậy?

Ung thư phổi là gì? 

Ung thư phổi là sự tăng sinh vô độ của tế bào mô phổi trong khi các tế bào già, lỗi không được đào thải, dẫn đến hình thành khối u ác tính tại cơ quan này. Ung thư phổi được chia thành ung thư phổi không tế bào nhỏ chiếm khoảng 80 - 85% và ung thư phổi tế bào nhỏ chiếm khoảng 15 - 20%. 

Theo thời gian, các tế bào ung thư này không chỉ phát triển tại phổi mà còn có khả năng xâm nhập vào hệ thống máu và hạch bạch huyết, di căn đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể như thận, gan, não, xương,... 

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi, có hơn 90% trường hợp bị ung thư phổi có liên quan đến thói quen hút thuốc. Đồng thời, những người bị ung thư phổi không hút thuốc cũng có thể liên quan đến vấn đề thường xuyên hít phải khói thuốc lá (hay còn gọi là hút thuốc thụ động). Một số nguyên nhân gây bệnh khác cũng được đề cập tới như làm việc trong môi trường bụi silic, ô nhiễm không khí hoặc yếu tố di truyền. 

Tại sao người bị ung thư phổi có nguy cơ bị nhiễm virus corona cao hơn so với người bình thường? 

Theo thông tin từ tạp chí uy tín The Lancet công bố ngày 25/01/2020, dựa trên nghiên cứu ở 99 bệnh nhân dương tính với virus Corona cho thấy, 50 bệnh nhân (chiếm 51%) có tiền sử mắc kèm các bệnh mạn tính, người có hệ miễn dịch bị suy giảm.Cụ thể, các bệnh mạn tính thường là tiểu đường, bệnh tim mạch, Parkinson, ung thư (bao gồm cả ung thư phổi). 

Các tế bào ung thư phổi phát triển trong cơ thể sẽ lấy hết chất dinh dưỡng được cung cấp và dự trữ khiến chức năng và hoạt động của một số bộ phận, tổ chức bị suy giảm, trong đó có hệ miễn dịch. Bên cạnh đó, các phương pháp điều trị ung thư phổi như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị có tác dụng ức chế sự phát triển và tiêu diệt tế bào ung thư nhưng cũng gây hại đến tế bào lành, khiến người mắc phải chịu tác dụng phụ như chán ăn, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa,... Đây cũng chính là những tác nhân gián tiếp khiến sức khỏe người bệnh ngày càng suy sụp, sức đề kháng suy giảm trầm trọng. 

Mặt khác, hệ miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể tránh khỏi những căn bệnh và nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng thông qua các phản ứng miễn dịch. Khi hệ miễn dịch suy giảm nghĩa là hệ thống phòng ngự không còn, làm mất khả năng bắt giữ và chống lại, khiến cơ thể rất dễ bị các tác nhân có hại tấn công. 

Người mắc ung thư phổi thường bị suy giảm hệ miễn dịch

Chính vì lý do đó, mà các chuyên gia cảnh báo rằng, người bị ung thư phổi là một trong những đối tượng có nguy cơ nhiễm chủng virus corona cao hơn so với bình thường. Đồng thời, nếu những đối tượng này không may mắc bệnh thì nguy cơ dẫn đến tử vong cũng sẽ cao hơn bởi cơ thể không có khả năng chống đỡ. 

Người bị ung thư phổi nên làm gì để phòng ngừa nhiễm virus corona? 

Trước “cơn bão” virus corona, các chuyên gia khuyên rằng, người bị ung thư phổi nên thực hiện một số phương pháp dưới đây để phòng ngừa mắc bệnh hiệu quả: 

- Tránh tiếp xúc quá gần với người bị sốt, ho.

- Rửa sạch tay thường xuyên với xà phòng hoặc các loại nước rửa tay có chứa cồn.

- Tránh chạm tay vào mắt, mũi hay miệng.

- Sử dụng khẩu trang y tế đúng cách

+ Khi sử dụng khẩu trang, hãy chắc chắn rằng khẩu trang che kín miệng, mũi và tránh chạm vào khẩu trang khi đang sử dụng.

+ Nếu sử dụng các loại khẩu trang dùng 1 lần, sau khi sử dụng cần bỏ ngay vào thùng rác và rửa sạch tay. 

- Khi ho hay hắt hơi, hãy che kín miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo. Sau khi sử dụng khăn giấy, vứt chúng vào thùng rác có nắp đậy và rửa sạch tay ngay lập tức.

- Nếu cảm thấy có dấu hiệu ốm khi đi lại, du lịch cần thông báo ngay cho nhân viên hàng không, đường sắt hoặc ô tô, tìm đến chăm sóc y tế càng sớm càng tốt và chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với họ. 

Đến cơ sở y tế ngay nếu có dấu hiệu bất thường

- Chỉ sử dụng các loại thực phẩm được nấu chín và đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

- Tránh tiếp xúc quá gần với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã, dù là động vật sống, bị ốm hay đã chết. 

- Thực hiện nghiêm chỉnh phác đồ điều trị ung thư phổi mà bác sĩ chỉ định để kiểm soát sự tiến triển của bệnh. 

- Nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể bằng cách thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, tập luyện thường xuyên, tăng cường bổ sung các thực phẩm chứa vitamin C trong bữa ăn hàng ngày.