Các nhà khoa học quốc tế mới đây đã công bố một thiết bị di động mới có thể giúp theo dõi và chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân mắc u phổi di căn, qua đó mở ra hy vọng kéo dài tuổi thọ. Vậy thiết bị này được sử dụng như thế nào và hiệu quả cụ thể ra sao? Đừng bỏ lỡ những thông tin hữu ích trong nội dung bài viết này!
U phổi và phân loại u phổi
Phổi là bộ phận trong hệ hô hấp cơ thể với vai trò trao đổi khí – đem oxy từ không khí vào tĩnh mạch phổi, đưa khí CO2 từ động mạch phổi ra ngoài, giúp duy trì hoạt động sống. Bên cạnh đó, phổi còn đảm nhiệm vai trò chuyển hóa một vài chất sinh học, lọc các chất độc tố trong máu,… Vậy u phổi là bệnh gì? U phổi là kết quả của sự phân chia và phát triển bất thường các tế bào trong mô phổi hoặc trong đường hô hấp dẫn đến phổi. Các tế bào này phân chia rất nhanh và không tuân theo sự chết theo chu trình như bình thường. Từ đó, nhiều tế bào bất thường nhân lên, tích tụ thành khối u. Nếu khối u phổi phát triển tại chỗ, không xâm lấn sang các mô khác thì được gọi là u phổi lành tính. Ngược lại, nếu khối u di căn sang những mô khác thì được gọi là u phổi ác tính (ung thư phổi).
Phân biệt u phổi lành tính và ác tính
U phổi lành tính
U phổi lành tính tiến triển chậm, thậm chí có thể ngừng phát triển hay nhỏ lại. U thường chưa gây nguy hiểm và không đe dọa tới tính mạng của bệnh nhân.
U phổi ác tính (ung thư)
Được chia thành 2 dạng:
- Ung thư phổi nguyên phát: Có liên quan chặt chẽ đến thói quen hút thuốc lá và môi trường sống. Bệnh thường gặp ở người từ 50 - 70 tuổi. Ung thư phổi nguyên phát được phân ra 2 loại dựa trên kích thước của tế bào: Ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC) và ung thư phổi tế bào không nhỏ (NSCLC). Hai loại ung thư này phát triển theo nhiều cách và hướng điều trị sẽ khác nhau.
- Ung thư phổi thứ phát: Là tình trạng khối u từ một cơ quan khác trong cơ thể lây lan đến phổi qua đường máu hoặc bạch huyết. Dạng ung thư này khó chẩn đoán, người bệnh cần được thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết để tìm được vị trí u đã lây lan sang phổi, từ đó việc điều trị mới hiệu quả.
Bước tiến mới trong điều trị u phổi di căn
U phổi lành tính có khi chỉ cần theo dõi, nhưng nếu khối u đã tiến triển thành ung thư thì nhất định phải được điều trị. Khoa học ngày càng phát triển đã cung cấp thêm những cải tiến mới trong quá trình điều trị u phổi di căn. Trong công trình nghiên cứu được công bố tại hội thảo hàng năm của Hiệp hội Ung thư lâm sàng Mỹ tổ chức ở Chicago, các nhà khoa học đến từ Pháp đã giới thiệu thiết bị di động Moovcare nhằm tạo thuận lợi hơn cho việc liên lạc giữa bác sĩ và bệnh nhân dù ở khoảng cách xa. Để đánh giá hiệu quả của thiết bị này, các nhà nghiên cứu đã lựa chọn ngẫu nhiên 133 bệnh nhân và chia thành 2 nhóm: Một nhóm được thử nghiệm Moovcare và một nhóm nhận được sự chăm sóc y tế tiêu chuẩn sau khi được hóa trị, xạ trị và phẫu thuật.
Thử nghiệm Moovcare giúp điều trị u phổi di căn
Những bệnh nhân sử dụng Moovcare được theo dõi y tế tương tự nhóm còn lại. Bác sĩ đến khám và chụp cộng hưởng từ (CT) 3 - 6 tháng/lần và sử dụng Moovcare để hàng tuần có thể đánh giá triệu chứng của bệnh nhân. Nếu thiết bị này phát hiện thay đổi đặc biệt, các bác sĩ sẽ nhận được báo động và điều chỉnh phương thức điều trị thích hợp. Một năm sau khi nghiên cứu được tiến hành, 75% bệnh nhân sử dụng Moovcare vẫn còn sống, so với tỷ lệ 49% ở nhóm còn lại. Tỷ lệ tái phát ở 2 nhóm dao động khoảng 50%, song 74% những người sử dụng Moovcare có sức khỏe tốt hơn để tiếp nhận các điều trị tiếp theo sau khi tái phát. Trong khi đó, chỉ 1/3 số bệnh nhân ở nhóm còn lại có thể trạng còn tốt để tiếp tục được chữa trị.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy, những bệnh sử dụng Moovcare có cuộc sống tốt hơn và trung bình sống thêm được 19 tháng, nhiều hơn 7 tháng so với nhóm còn lại. Đánh giá về việc ứng dụng thiết bị Moovcare, các chuyên gia y tế phụ trách nghiên cứu nhận định: Phương pháp tiếp cận này mở ra “một kỷ nguyên mới” giúp bệnh nhân có thể thường xuyên thông báo và tiếp nhận phản hồi của bác sĩ giữa mỗi lần thăm khám, qua đó giúp kéo dài sự sống. Các bác sĩ cho rằng, mặc dù việc liên lạc với bệnh nhân qua Moovcare không tiêu tốn nhiều thời gian của họ, song nó đặt ra gánh nặng đối với các cơ sở y tế do vấn đề chi phí.
Lời khuyên cho người mắc u phổi
Theo các chuyên gia, triệu chứng của u phổi đôi khi không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với bệnh lý ho, cảm thông thường. Vì thế, bạn cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Ngoài ra, khi bị u phổi, cần có chế độ dinh dưỡng và tập luyện hợp lý, ngăn bệnh tiến triển nặng hơn. Cụ thể:
Dinh dưỡng cho người bị u phổi
- Bổ sung nhiều chất béo: Ăn nhiều chất béo sẽ giúp cơ thể bù đắp được lượng năng lượng mất đi khi giảm cân đột ngột. Các chất béo có lợi cần chú ý là quả bơ, đậu phộng, dầu oliu, ngũ cốc, sữa chua,…
- Ăn nhiều trái cây và rau củ: Người bị ung thư phổi không nên bỏ qua cà chua, ớt chuông và bí đỏ vì đây là nguồn dưỡng chất chống oxy hóa, cung cấp vitamin giúp giảm triệu chứng bệnh.
- Cung cấp năng lượng từ thịt và trứng: Hai loại thực phẩm này đều cung cấp lượng protein phong phú cho cơ thể.
- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao vừa sức sẽ giúp cơ thể tăng khả năng chuyển hóa và tuần hoàn, phòng ngừa sự phát triển của tế bào ung thư.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn đọc hiểu hơn về bước tiến mới trong điều trị u phổi di căn. Để cải thiện và phòng ngừa bệnh hiệu quả, hãy xây dựng chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý mỗi ngày, bạn nhé!