Ung thư phổi là bệnh lý nguy hiểm và đang ngày càng phổ biến ở cả 2 giới. Thực trạng hiện nay, nhiều thống kê còn cho thấy phụ nữ có tỷ lệ mắc ung thư phổi cao hơn nam giới. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh có thể đe dọa đến tính mạng. Mời bạn đọc cùng tìm hiểu rõ vấn đề trên trong nội dung bài viết dưới đây! 

Ung thư phổi nguy hiểm như thế nào? 

Ung thư phổi là bệnh lý ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Trong vài thập kỷ trở lại đây, cứ 5 người chết vì ung thư thì có 1 người mắc ung thư phổi. 

Giáo sư Rafael Molina - Chủ tịch Hội Ung thư và Dấu ấn Sinh học quốc tế cho biết, hiện có khoảng 1,8 triệu người trên thế giới mắc mới ung thư phổi mỗi năm, trong đó, 1,6 triệu người tử vong, tương đương mỗi phút trôi qua có 3 người chết vì căn bệnh này. 

Tại Việt Nam, ung thư phổi xếp thứ 2 trong 10 loại ung thư thường gặp ở cả 2 giới. Đây là bệnh lý ác tính, tiến triển nhanh, dễ di căn, có khả năng lan từ phổi đến các hạch bạch huyết và cơ quan khác trong cơ thể.

Ung thư phổi thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn sớm nên người mắc dễ nhầm lẫn với các bệnh lý hô hấp thông thường. Do vậy, nhiều người chủ quan không đi khám, dẫn tới phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. 

Lúc này, tình trạng ung thư đã lan đến hạch bạch huyết ở ngực, điều trị thường sẽ khó khăn hơn và phải sử dụng các phương pháp như hóa trị và xạ trị. Tuy nhiên, điểm yếu của hóa xạ trị là tuổi thọ của người bệnh ngắn, chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng nặng nề vì phải chịu nhiều tác dụng phụ, cơ thể mệt mỏi, mất niềm tin và không tích cực phối hợp điều trị. 

Phụ nữ có tỷ lệ mắc ung thư phổi cao hơn nam giới

Theo nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí Ung thư Quốc tế, phụ nữ trong độ tuổi 30 - 49 có tỷ lệ mắc ung thư phổi cao hơn nam giới cùng độ tuổi.

Nghiên cứu có sự tham gia của các nhà khoa học chuyên về ung thư ở Canada, Pháp, Tiến sĩ Ahmedin Jemal và Thạc sĩ Khoa học Y tế cộng đồng của Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS) - Lindsey A. Torre. Họ xem xét tỷ lệ dựa trên dữ liệu của những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi trong 1 năm trên cùng quốc gia. Đồng thời, so sánh tỷ lệ giữa nam - nữ trong các nhóm tuổi (bắt đầu từ 30 - 34 đến 60 - 64 tuổi) tại 40 quốc gia trên khắp 5 châu lục và trong khoảng thời gian 5 năm, bắt đầu từ 1993 - 1997 đến nhóm 2008 - 2012.

Trong những năm đó, tỷ lệ mắc bệnh của nam giới thường giảm ở mọi lứa tuổi trên tất cả các quốc gia. Nhưng đối với phụ nữ, tỷ lệ này giữ nguyên hoặc giảm với tốc độ chậm hơn so với nam giới. 

Trong lịch sử, tỷ lệ ung thư phổi cao hơn ở nam giới chủ yếu là do họ có thói quen hút thuốc. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tỷ lệ này cao hơn ở phụ nữ từ 30 đến 49 tuổi ở 6 quốc gia: Canada, Đan Mạch, Đức, New Zealand, Hà Lan và Mỹ. Các nhà nghiên cứu tìm thấy xu hướng tương tự ở 23 quốc gia khác trên nhiều cấp độ phát triển kinh tế, bao gồm một số quốc gia ở châu Phi và châu Á.

Ty-le-mac-ung-thu-phoi-o-nu-gioi-dang-ngay-cang-co-xu-huong-tang-cao.jpg

Tỷ lệ mắc ung thư phổi ở nữ giới đang ngày càng có xu hướng tăng cao

Các nhà khoa học suy đoán rằng, nguy cơ mắc ung thư phổi ở phụ nữ cao hơn có liên quan đến việc sử dụng thuốc lá trong nhiều năm hoặc cách phụ nữ phản ứng với chất gây ung thư trong thuốc lá. Cụ thể như sau:

- Nhiều phụ nữ bắt đầu hút trong những năm thuốc lá có bộ lọc trở nên phổ biến nhất. Thuốc lá có bộ lọc thúc đẩy nguy cơ ung thư phổi biểu mô tuyến (adenocarcinoma) do chúng làm khói thuốc được phân phối đến phần bên ngoài của phổi.

- Phụ nữ có các yếu tố di truyền đối với ung thư phổi khác với nam giới như không thể sửa chữa DNA bị hỏng hoặc mang các gen bất thường liên quan đến sự phát triển ung thư.