Rất nhiều người khi nghe thấy cụm từ “u phổi” thường nghĩ ngay đó là u phổi ác tính (ung thư phổi). Trên thực tế, không ít trường hợp mắc u phổi lành tính và có thể được kiểm soát một cách rất dễ dàng. Vậy làm thế nào để phân biệt 2 loại u phổi này, cách điều trị hiệu quả ra sao? Mời bạn đọc bài viết sau đây.

U phổi lành tính là gì?

Mỗi tế bào của cơ thể có một chu kỳ phát triển và chết đi nhất định. Khi tế bào già chết đi, sẽ có một tế bào non được hình thành và đảm nhận chức năng giống như tế bào cũ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đột biến gen khiến các tế bào cũ không chết đi, trong khi những tế bào mới vẫn được sinh ra không ngừng. Điều này gây ra khối u.

Nếu các tế bào trong khối u là bình thường, nó được coi là lành tính. Khối u này sẽ không xâm lấn các mô lân cận hoặc lan rộng đến những khu vực khác của cơ thể (di căn). Đây là loại khối u không có gì đáng ngại, trừ khi nó bám vào các mô lân cận, dây thần kinh hoặc mạch máu và gây tổn thương, đặc biệt nếu như u lành xuất hiện ở các vị trí như não sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc trong hộp sọ. Ngoài ra, nó có thể bám vào các cơ quan quan trọng và tác động xấu đến sức khỏe người mắc.

Chụp X-quang giúp phát hiện tình trạng u phổi

Khối u lành tính thường di động, có bờ đều, mềm. Trong một số trường hợp, nó có thể phát triển rất lớn và người bệnh cần phải phẫu thuật để loại bỏ. Tuy nhiên, khối u này thường có ranh giới rõ ràng với các vùng xung quanh nên dễ loại bỏ hoàn toàn. Khối u lành tính thường không biến thành ác tính. Do đó, khi được kết luận bị u phổi lành tính, bạn đừng lo lắng nhé!

U phổi lành tính thường không có triệu chứng rõ ràng. Hơn 90% trường hợp phát hiện là khi bệnh nhân được chụp X-quang ngực hoặc chụp CT vì lý do khác.

Nếu các triệu chứng xuất hiện, chúng có thể bao gồm: Ho dai dẳng hoặc khò khè; khó thở; ho ra máu; có tiếng rít trong phổi; thường bị viêm phổi; xẹp mô phổi.

U phổi ác tính là gì?

U phổi ác tính còn được gọi là ung thư phổi, xảy ra khi các tế bào bình thường phát triển bất thường, nhân lên không kiểm soát và có khả năng lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể (di căn). Các khối u như vậy rất nguy hiểm vì chúng lấy oxy, chất dinh dưỡng, không gian từ tế bào khỏe mạnh và phá hủy, hoặc làm giảm khả năng hoạt động của các mô bình thường. Việc điều trị triệt để u phổi ác tính rất khó khăn và tỷ lệ tái phát cao.

U phổi ác tính có thể di căn sang nhiều cơ quan khác của cơ thể

Ung thư phổi rất khó phát hiện khi ở giai đoạn đầu, một số trường hợp có thể được xác định tình cờ khi chụp X-quang ngực vì một lý do khác. Bệnh chỉ có những biểu hiện rõ ràng khi đã chuyển sang giai đoạn nặng và người mắc sẽ có triệu chứng do ảnh hưởng của khối u di căn như: Ho kéo dài, ho ra máu, đau ngực và khó thở.

Ngoài ra, các triệu chứng của khối u phổi di căn phụ thuộc vào vị trí và kích thước. Ung thư phổi thường lây lan đến gan, tuyến thượng thận, xương và não.

- Ung thư phổi di căn vào xương gây đau xương, thường là ở xương sống, xương đùi, xương chậu và xương sườn.

- Ung thư phổi di căn đến gan có thể khiến người bệnh ăn mất ngon, no sớm và giảm cân không giải thích được.

- Ung thư phổi di căn lên não có thể gây giảm thị lực, yếu một bên cơ thể và co giật.

Đau cột sống kéo dài có thể cảnh báo ung thư phổi di căn xương

Cách phân biệt u phổi lành tính và ác tính

Mặc dù khối u phổi lành tính và ác tính khác nhau hoàn toàn nhưng phân biệt không phải đơn giản. Theo nhận định của nhiều chuyên gia thì khối u ác tính thường cứng (như đá), có bờ không đều, cố định chặt vào mô phổi và khi chúng ta tác động lực vào thì nó vẫn không di chuyển. Ngược lại, khối u lành tính thường mềm, bờ đều, khi tác động vào thì nó di chuyển.

U phổi lành tính không phải là ung thư, vì vậy sẽ không lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Nó tăng trưởng chậm, thậm chí có thể ngừng tăng trưởng, thu hẹp và thường không nguy hiểm đến tính mạng. Khối u có thể mở rộng nhưng sẽ không xâm chiếm, phá hủy hoặc thay thế các mô khác. Trong khi đó, u phổi ác tính thường tăng trưởng nhanh chóng, xâm lấn và di căn đến các cơ quan khác, từ đó gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Việc phân biệt u phổi lành tính và ác tính rất khó và người bệnh không thể tự thực hiện được. Do đó, khi nghi ngờ bản thân có dấu hiệu u phổi, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán, từ đó áp dụng biện pháp điều trị kịp thời.

Hãy đến gặp bác sĩ để được khám và chẩn đoán chính xác tình trạng u phổi