Ung thư phổi được xem là một trong những “sát thủ” hàng đầu cướp đi sinh mạng nhiều người mắc. Tuy nhiên, nếu may mắn phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm thì hiệu quả điều trị khá cao, người mắc có cơ hội kéo dài thêm tuổi thọ. Để hiểu rõ hơn, mời bạn theo dõi giải đáp 4 câu hỏi về bệnh lý nguy hiểm này trong nội dung bài viết dưới đây!

Thực trạng mắc và tử vong do ung thư phổi như thế nào?

Tỷ lệ mắc ung thư phổi đang có xu hướng tăng dần từ đầu thế kỷ 20. Thống kê cho thấy, năm 2018, toàn cầu có 18,1 triệu trường hợp ung thư mới mắc. Trong đó, ung thư phổi đứng hàng đầu về các trường hợp mới (2,094 triệu người) và số ca tử vong (1,5 triệu người). Đây quả thực là con số đáng báo động!

Nguyên nhân phổ biến là do hút thuốc lá, bao gồm cả chủ động và thụ động. Nhiều nghiên cứu cho thấy, 90% số ca mắc ung thư phổi là do hút thuốc lá. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tỷ lệ hút thuốc cao nhất thế giới với 56,1% nam và 1,8% nữ. Theo đó, tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại Việt Nam cũng rất cao. Ước tính, 67,6% người không hút thuốc bị phơi nhiễm tại nơi làm việc.

Chẩn đoán ung thư phổi bằng cách nào?

Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc ung thư phổi, đặc biệt là người hút thuốc lá lâu năm hoặc sống chung với người hút thuốc lá, cần đến cơ sở y tế để được làm xét nghiệm chẩn đoán và phân biệt với các bệnh lý khác. Chẩn đoán sớm có ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện và điều trị bệnh kịp thời. Các phương pháp giúp chẩn đoán ung thư phổi hiện nay đó là: 

- Chụp X-quang ngực: Là phương pháp chụp các cơ quan, xương bên trong lồng ngực giúp phát hiện bất thường hoặc khối u phổi nhưng có thể bỏ qua những khối u có kích thước quá nhỏ. Vì vậy, bên cạnh chụp X-quang, người bệnh thường được chỉ định kết hợp với chụp CT lồng ngực.

- Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực (CT scanner): Giúp bác sĩ phát hiện các bệnh lý ở xương sườn, màng phổi, nhu mô phổi, phế quản, mạch máu, tim, trung thất,... So với chụp X-quang, chụp CT có thể phát hiện được khối u kích thước nhỏ, xác định đặc điểm khối u, qua đó giúp đánh giá giai đoạn bệnh.

- Nội soi phế quản: Được chỉ định cho hầu hết những trường hợp nghi ngờ có khối u phổi. Phương pháp này giúp quan sát hình dạng và kích thước khối u, khoảng cách của khối u đến vị trí ngã ba khí quản, đặc biệt có thể sinh thiết khối u khi cần thiết. 

- Mô bệnh học: Là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định ung thư phổi. Các bác sĩ có thể sinh thiết lấy một mẩu khối u qua nội soi phế quản với u trung tâm hoặc sinh thiết xuyên thành ngực với u ngoại vi để làm xét nghiệm.

- Các chất chỉ điểm u như SCC, CEA, Cyfra 21-1, NSE tăng cũng đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán ung thư phổi. 

Các phương pháp điều trị ung thư phổi là gì?

Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị ung thư phổi khác nhau, tùy thuộc vào loại ung thư và tình trạng di căn. Dưới đây là các phương pháp phổ biến được sử dụng trong điều trị ung thư phổi: 

- Phẫu thuật cắt bỏ khối u: Chủ yếu được sử dụng trong điều trị ung thư phổi giai đoạn sớm, khi khối u chưa di căn. 

- Hóa trị: Sử dụng các loại thuốc đặc biệt để thu nhỏ hoặc tiêu diệt tế bào ung thư. Các thuốc này có thể dùng qua đường uống, truyền tĩnh mạch hoặc cả hai.

- Xạ trị: Sử dụng tia năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc thu nhỏ kích thước khối u. 

- Liệu pháp nhắm trúng đích: Sử dụng thuốc để ngăn chặn sự phát triển và lây lan của tế bào ung thư. Các thuốc này có thể được sử dụng qua đường uống hoặc truyền tĩnh mạch.

Bên cạnh những ưu điểm thì các phương pháp điều trị ung thư phổi hiện nay vẫn còn tồn tại một số mặt hạn chế như: Hầu hết chỉ can thiệp khi bệnh ở giai đoạn muộn, không phân biệt rạch ròi được tế bào ung thư với tế bào lành, không can thiệp được vào mầm mống sinh ra tế bào khối u, bởi vậy tỷ lệ tử vong và tái phát cao. 

Làm thế nào để giảm nguy cơ mắc ung thư phổi?

Như đã nói trên, thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi. Khói thuốc chứa 7.000 chất độc, trong đó có 69 chất gây ung thư bằng cách làm tổn hại gen của tế bào. Vì vậy, không hút thuốc lá là cách tốt nhất phòng ngừa ung thư phổi. Không những vậy, bạn cũng nên tránh tiếp xúc với khói thuốc lá. Dù không trực tiếp hút thuốc nhưng việc gián tiếp hít phải khói thuốc cũng là nguyên nhân gây bệnh.

Ngoài ra, chuyên gia khuyên rằng, bạn nên tránh xa không khí ô nhiễm, ăn uống lành mạnh và vận động thể chất thường xuyên để nâng cao hệ miễn dịch và tăng cường sức chống đỡ của cơ thể trước bệnh tật.

Thực tế, các biện pháp phòng chống ung thư phổi chỉ đạt hiệu quả ở mức tương đối. Vì vậy, ngoài việc thay đổi lối sống khoa học, vẫn nên tầm soát bệnh định kỳ, đặc biệt là những người hút thuốc lá lâu năm, người trên 40 tuổi, người có tiền sử gia đình mắc ung thư phổi.  

Ngày nay, có nhiều phương pháp hiện đại giúp phát hiện ung thư phổi từ giai đoạn sớm, kể cả khi người bệnh chưa có triệu chứng. Điều trị ngay ở giai đoạn đầu sẽ mang lại hiệu quả cao hơn và tăng tuổi thọ cho người bệnh.