Thực tế, tỷ lệ phát hiện ung thư phổi giai đoạn cuối là khá cao bởi lúc này các dấu hiệu của bệnh mới bộc lộ rõ rệt. Tuy nhiên, ở giai đoạn này thường gặp nhiều khó khăn trong điều trị. Mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây để biết thêm về những dấu hiệu điển hình của ung thư phổi giai đoạn cuối và phương pháp điều trị tình trạng nguy hiểm này! 

Ung thư phổi thường được phát hiện ở giai đoạn cuối

So với những loại bệnh ung thư khác, việc xác định ung thư phổi vào giai đoạn sớm gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do các triệu chứng của bệnh thường diễn biến âm thầm, dễ nhầm lẫn với những bệnh hô hấp thông thường khác như: Viêm phổi, viêm phế quản. Khối u nằm sâu trong mô phổi nên việc phát hiện bằng cách xuất hiện u cục như ung thư vú là điều không thể. 

Phần lớn các trường hợp chỉ biết mình mắc bệnh khi tình cờ đi khám. Lúc này, chỉ khoảng 20 - 30% người bệnh ở giai đoạn sớm có khả năng điều trị bằng phẫu thuật. Kết quả là tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ khoảng 15%. Khi bệnh tiến triển nặng, ở giai đoạn cuối các triệu chứng mới trở nên rõ rệt. Lúc này, việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn, mục tiêu chủ yếu là giảm nhẹ triệu chứng và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. 

 

Ung thư phổi thường được phát hiện ở giai đoạn cuối 

Dấu hiệu điển hình của ung thư phổi giai đoạn cuối 

Thực tế, bệnh ung thư phổi ngày càng trở thành vấn đề “nhức nhối” của xã hội khi tỷ lệ mắc và tử vong rất cao. Điều quan ngại hơn là đa phần các ca mắc thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, khi mà cơ hội chữa khỏi bệnh là rất thấp. Việc nhận biết các dấu hiệu, triệu chứng hay biểu hiện của ung thư phổi có ý nghĩa rất quan trọng, giúp người bệnh sớm giành thế chủ động trong cuộc chiến với bệnh tật. Dưới đây là một số dấu hiệu điển hình của ung thư phổi giai đoạn cuối mà người bệnh cần chú ý: 

Tắc nghẽn hoặc chảy máu đường thở lớn 

Sự lan rộng của khối u vào đường thở có thể dẫn đến tắc nghẽn và chảy máu. Triệu chứng do di căn não  

Khi các tế bào ung thư di căn tới não, người bệnh có thể gặp biểu hiện đau đầu, co giật và các triệu chứng thần kinh khác như nói khàn, giọng yếu. 

Triệu chứng do di căn xương 

Di căn xương là tình trạng rất phổ biến ở người bị ung thư phổi. Tiên lượng của những trường hợp này khá kém với thời gian sống trung bình dưới 1 năm.  Đau xương có thể bắt nguồn từ xương (xâm lấn trực tiếp vào các vi sợi, tăng áp lực của nội mạc, biến dạng màng ngoài tim), do chèn ép rễ thần kinh (gây xẹp đốt sống) hoặc từ co thắt cơ ở vùng tổn thương xương. Càng ở giai đoạn cuối, triệu chứng đau càng tăng, người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc vận động. 

Ho kéo dài dai dẳng 

Đây là triệu chứng gặp ở hầu hết người bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối. Tình trạng này xuất phát từ sự phát triển của khối u trong đường thở hoặc do đờm đặc tiết ra quá nhiều gây tắc nghẽn, khiến cơ thể phản xạ tự nhiên bằng phản ứng ho. 

 

Ung thư phổi giai đoạn cuối gây ho kéo dài dai dẳng

Khó thở 

Dịch nhầy chứa tế bào ung thư có thể tích tụ trong phổi dẫn đến tình trạng khó thở. Không chỉ có vậy, vấn đề tâm lý lo lắng, sợ hãi bệnh tật của người mắc cũng là tác nhân khiến cơn khó thở ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Đau đớn dữ dội

Người bị ung thư phổi giai đoạn cuối thường sợ cơn đau hơn bất cứ thứ gì khác. Tình trạng đau nhức dữ dội thường xuyên có thể khiến người bệnh cáu kỉnh, ngủ kém, giảm cảm giác ngon miệng, giảm khả năng tập trung.

Các phương pháp điều trị ung thư phổi giai đoạn cuối

Trong điều trị ung thư phổi giai đoạn cuối thường ít khi áp dụng được phương pháp phẫu thuật vì lúc này, khối u đã lan ra nhiều cơ quan khác nhau. Thay vào đó, phương pháp chủ yếu được áp dụng đó là hóa trị và xạ trị. Cụ thể:  

- Hóa trị: Đây là phương pháp điều trị bằng các thuốc hóa chất nhằm ngăn chặn sự phát triển và phân chia ồ ạt của tế bào ung thư. Người bệnh có thể được điều trị bằng 1 hoặc kết hợp 2 loại thuốc hóa trị khác nhau theo đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch.

Người bị ung thư phổi giai đoạn cuối có thể cần sử dụng các loại thuốc này hằng ngày, liên tiếp trong một vài tuần, sau đó có khoảng thời gian “nghỉ” để cơ thể phục hồi. Mỗi khoảng thời gian điều trị và nghỉ được gọi là 1 chu kỳ. Một chu kỳ hóa trị thường kéo dài từ 3 - 4 tuần. 

- Xạ trị: Là phương pháp sử dụng tia X năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị có thể điều trị được khối u đã di căn tới não và các phần khác trên cơ thể. Xạ trị cũng giúp làm giảm các triệu chứng như đau, ho, khó thở và hỗ trợ làm giảm kích thước khối u, hạn chế tình trạng chèn ép các bộ phận khác như thanh quản, thực quản.

Thông thường, người bệnh sẽ được điều trị với một máy phát tia bức xạ từ bên ngoài hướng vào cơ thể. Thời gian điều trị xạ trị là 5 ngày/tuần và liên tục từ 6 - 7 tuần.

 

Điều trị ung thư phổi giai đoạn cuối bằng phương pháp xạ trị