Chào bác sĩ, tôi 59 tuổi, sau một đợt ho dai dẳng uống thuốc mà vẫn không đỡ, tôi đi khám thì phát hiện bị bệnh u phổi và phải xạ trị. Tôi có hỏi nhưng cả người nhà và bác sĩ không nói cho tôi biết là ác tính hay lành tính, tôi chỉ biết là bác sĩ có bảo tôi phải xạ trị. Tôi muốn hỏi có phải bị u phổi mà xạ trị là bệnh nặng lắm rồi đúng không? Mong bác sĩ giải đáp. Xin cảm ơn! ( Hồ Tiến)
Trả lời:

Chào bạn Hồ Tiến!

Qua những thông tin chia sẻ, có thể thấy rằng bạn đang rất lo lắng về tình trạng bệnh của mình. Phương pháp điều trị u phổi có rất nhiều, tùy thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể của mỗi người là khác nhau mà bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn biện pháp phù hợp, hiệu quả nhất. Và xạ trị cũng là phương pháp được sử dụng thường xuyên để trị các bệnh u bướu nói chung và u phổi nói riêng. Trước khi trả lời câu hỏi của bạn, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về xạ trị nhé!  

Xạ trị là gì?

Xạ trị là phương pháp thường được chỉ định để điều trị các khối u ác tính bằng cách sử dụng tia năng lượng cao, chẳng hạn như bức xạ từ tia X để tiêu diệt các tế bào khối u ác tính. Bức xạ có thể được thực hiện bên ngoài (xạ trị chùm) hoặc xạ trị nội bộ. Xạ trị là loại hình điều trị đòi hỏi liều lượng cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định. Mục đích là tiêu diệt tế bào u ác tính, làm chậm sự phát triển của khối u, và đảm bảo hạn chế gây tổn hại đến các mô khỏe mạnh lân cận. 

Dưới đây là một số loại xạ trị thường được sử dụng:

- Xạ trị bên ngoài (Xạ trị chùm) là phương pháp được lựa chọn sử dụng phổ biến hiện nay. Trong đó, tia xạ được chiếu tới khu vực khối u ác tính từ máy chiếu xạ ở ngoài cơ thể, thường là máy gia tốc tuyến tính. Xạ trị từ bên ngoài cho phép điều trị u ác tính trên diện rộng và có thể điều trị nhiều vùng cơ thể cùng một lúc cả khối u chính và những hạch bạch huyết lân cận. Xạ trị bên ngoài không làm cho người bệnh bị nhiễm phóng xạ.

- Xạ trị bên trong (Xạ trị nội bộ): Người bệnh được đặt một vật chứa chất phóng xạ vào bên trong khối u hoặc bên trong khoang của cơ thể gần với khối u. Phương pháp này cho phép tập trung một liều xạ lớn đến một vùng nhỏ trong cơ thể, thường được sử dụng trong những trường hợp cần liều xạ cao hoặc liều xạ cao hơn mức chịu đựng của những mô bình thường. Nguồn phóng xạ có thể được đặt tạm thời hoặc lâu dài tùy theo tình trạng bệnh.

Ngoài ra còn có một số loại xạ trị khác như: Xạ trị toàn thân, xạ trị miễn dịch… Việc lựa chọn phương pháp xạ trị nào sẽ căn cứ vào loại khối u, giai đoạn bệnh, tình trạng sức khỏe của người bệnh… mà các bác sĩ chọn ra biện pháp tốt nhất cho bệnh nhân.

Trong điều trị u phổi, đặc biệt là u phổi ác tính, xạ trị là một trong những phương pháp điều trị chính. Xạ trị có thể được thực hiện trước phẫu thuật để thu nhỏ khối u, làm giảm áp lực, giảm triệu chứng của bệnh, giúp phẫu thuật dễ dàng hơn, hoặc sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào khối u còn sót lại. Hầu hết các bệnh u ác tính nói chung sẽ có hiệu quả tốt nhất nếu như kết hợp xạ trị với phẫu thuật, hóa trị và liệu pháp miễn dịch.

Như vậy, trường hợp của bạn có thể là u phổi ác tính, nhưng để bạn không lo lắng và an tâm điều trị nên người nhà và bác sĩ chưa muốn thông báo với bạn. Tuy nhiên, bạn không nên quá lo lắng, những năm gần đây với sự tiến bộ của nền y học, việc phát hiện sớm các khối u ác tính và lựa chọn phương pháp điều trị đúng cũng giúp kiểm soát bệnh rất tốt. Tinh thần phấn chấn cũng giúp tăng hiệu quả điều trị. Bởi vậy, bạn không nên quá căng thẳng, tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ để có kết quả điều trị tốt nhất. 

Chúc bạn và gia đình sức khỏe!

Chuyên gia u bướu