Thưa bác sĩ, cho tôi hỏi có cách nào phòng ngừa u phổi không ạ? Bố tôi 49 tuổi, do công việc căng thẳng nên bố tôi hay hút thuốc lá rồi dần dần nghiện lúc nào không hay, mặc dù đã động viên bố nhiều lần nhưng bố tôi không thể bỏ được. Bác sĩ cho tôi hỏi, có cách nào phòng ngừa u phổi không, vì bác trai tôi cũng vừa phát hiện bị u phổi có thể do nghiện thuốc lá lâu năm nên tôi rất lo. Mong bác sĩ giải đáp sớm. Xin cảm ơn (Thanh Tú)
Trả lời:

Chào Thanh Tú!

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Việc bạn lo lắng cho bố mình là hoàn toàn có căn cứ bởi hút thuốc lá chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra u phổi, hơn nữa trong gia đình có tiền sử người mắc u phổi. Theo thống kê, khoảng 90% trường hợp mắc u phổi phát sinh do sử dụng thuốc lá. Còn lại là do các nguyên nhân khác như ô nhiễm môi trường, bệnh lý về phổi, di truyền, tiếp xúc với sợi amiăng, khí radon,... Dưới đây là một số lời khuyên về cách phòng ngừa bệnh u phổi bố bạn nên áp dụng càng sớm càng tốt. 

“Mách bạn” 6 cách phòng ngừa bệnh u phổi hiệu quả 

Để giúp ngăn ngừa bệnh u phổi hiệu quả, bố bạn nên thực hiện những lưu ý sau:

1. Bỏ thuốc lá 

Bỏ thuốc lá là điều đầu tiên bố bạn cần làm nếu muốn phòng ngừa bệnh lý về phổi nói chung và u phổi nói riêng. Sở dĩ thuốc lá có thể gây u phổi là do khói thuốc có chứa tới khoảng 7 nghìn hóa chất độc hại, những chất này xâm nhập vào phổi làm các tế bào phát triển, phân chia bất thường và hình thành khối u, ung thư phổi. Nguy cơ mắc bệnh lý u phổi ở những người hút thuốc lá cao gấp 10 lần so với người không hút thuốc. Ngoài ra, hút thuốc lá còn làm tăng nguy cơ nhiễm virus, nhiễm khuẩn lao phổi, mắc bệnh phổi mạn tính và suy giảm miễn dịch nghiêm trọng. 

 

 

Bỏ thuốc lá giúp phòng ngừa bệnh u phổi hiệu quả

2. Tuân thủ chỉ dẫn an toàn về bảo hộ lao động để giảm phơi nhiễm hóa chất

Những người làm công việc thường xuyên phải tiếp xúc với hơi khí độc hại như hầm mỏ, khai thác than đá, xăng dầu, phẩm nhuộm, phun sơn, công nghiệp nhựa, kỹ nghệ kim loại nặng,... cần có đồ bảo hộ chuyên dụng gồm kính, găng tay, áo quần để hỗ trợ làm giảm việc tiếp xúc với hóa chất, từ đó giảm nguy cơ mắc u phổi hiệu quả. Ô nhiễm từ môi trường, nước thải sinh hoạt, khói bụi xe cộ hàng ngày cũng có thể góp phần làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh u phổi.

3. Chế độ ăn uống lành mạnh 

Chế độ ăn uống lành mạnh không chỉ giúp bạn phòng ngừa bệnh lý u phổi mà còn có thể ngăn chặn được rất nhiều bệnh lý khác. Bởi vậy, ngay từ hôm nay hãy thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh bằng cách hạn chế ăn đồ ăn thức uống chế biến sẵn do chứa nhiều muối, chất bảo quản, đường công nghiệp, bột tinh luyện, phẩm màu...; Nên ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi, sữa chua... sẽ giúp cung cấp nhiều chất chống oxy hóa, rất tốt cho sức khỏe. Với các loại thịt, hãy luộc, hấp, thay vì chế biến nướng, quay, rán, xào.

4. Bảo vệ hệ hô hấp 

Khử trùng nơi ở, sử dụng các biện pháp bảo vệ hệ hô hấp như đeo khẩu trang khi tham gia giao thông… để giảm tiếp xúc với ô nhiễm môi trường do khói bụi, xe cộ.

5. Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên

Vận động thường xuyên cụ thể như chạy bộ, tập gym, thiền, yoga,... giúp tăng cường tuần hoàn máu giúp cơ thể khỏe mạnh, thông khí phổi diễn ra tốt, sức đề kháng của cơ thể sẽ tăng khiến các tế bào lạ cũng ít có cơ hội phát triển thành khối u. 

6. Khám sức khỏe định kỳ

Khám sức khỏe định kỳ giúp bạn phòng và phát hiện bệnh sớm, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời, hiệu quả. Tuy nhiên, ở nước ta, đa phần bệnh nhân u phổi tới bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn khiến việc chữa trị trở nên khó khăn và tốn kém.

Chúc bạn và gia đình sức khỏe!

Chuyên gia u bướu