Chào bác sĩ, cho em hỏi phẫu thuật u phổi ác tính có nguy hiểm lắm không? Chú em năm nay 41 tuổi, mới được chẩn đoán là bị u phổi ác tính và chỉ định cần phải phẫu thuật sớm. Bác sĩ có nói do chưa di căn nên phẫu thuật là phương pháp tốt nhất với trường hợp của chú em. Cả nhà em đang rất lo lắng, đến thứ 6 này chú ấy phẫu thuật. Mong bác sĩ giải đáp giúp em. Em cảm ơn. (Thu Quỳnh)
Trả lời:

Chào Thu Quỳnh!

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Qua chia sẻ của bạn, có thể thấy bạn và gia đình đang rất lo lắng về tình trạng bệnh của chú bạn. Tuy nhiên, bạn và gia đình trong lúc này cần bình tĩnh động viên người bệnh, giúp họ có tinh thần tốt nhất trước khi bước vào cuộc phẫu thuật. Để giúp bạn và gia đình an tâm hơn, chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về phương pháp phẫu thuật u phổi nhé!

Phẫu thuật u phổi là gì?

Phẫu thuật u phổi là phương pháp điều trị lâu đời nhất trong điều trị các khối u nói chung, đặc biệt là đối với các khối u lành tính hoặc ác tính nhưng chưa di căn. Nghe đến phẫu thuật có thể khiến nhiều người cảm thấy sợ hãi, nhưng thực tế khi còn có thể chỉ định phẫu thuật được thì đó cũng là một tín hiệu mừng rồi bạn nhé. Phẫu thuật tức là các bác sĩ sẽ loại bỏ tế bào u phổi ra khỏi cơ thể người bệnh, đồng thời loại bỏ các mô, hạch bạch huyết xung quanh. Phẫu thuật thường cho đáp ứng tốt nhất với các trường hợp u phổi lành tính, không di căn và xâm lấn sang các mô và cơ quan khác của cơ thể.

Các phương pháp thường được sử dụng trong phẫu thuật u phổi bao gồm:

- Cắt bỏ một phần phổi

Cắt bỏ một phần phổi được áp dụng khi các khối u phổi có kích thước nhỏ và đang khu trú ở một vị trí nhất định trên phổi. Theo đó, các bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ một vùng của phổi bao gồm một phần thùy hoặc nhiều thùy.

- Cắt bỏ toàn bộ một bên phổi

Trường hợp khối u phổi chưa lan rộng và xâm lấn sang các cơ quan lân cận thì các bác sĩ sẽ chỉ định cắt bỏ toàn bộ một bên phổi chứa khối u.

- Phẫu thuật nội soi phổi

Đây được đánh giá là phương pháp phẫu thuật u phổi hiện đại có nhiều ưu điểm như: Phẫu thuật chính xác, gây ít đau đớn và ít tác dụng phụ cho người bệnh. Để thực hiện phương pháp này, các bác sĩ sẽ luồn một ống nội soi vào một vết mổ nhỏ ở ngực của bệnh nhân. Sau đó bác sĩ sẽ chèn các công cụ phẫu thuật để cắt bỏ, nạo vét và hút sạch các tế bào khối u ra ngoài.

- Nạo vét các hạch bạch huyết

Trường hợp các tế bào u phổi đã xâm lấn sang các hạch bạch huyết nhưng chưa xâm lấn sang các cơ quan khác, các bác sĩ sẽ chỉ định loại bỏ hạch bạch huyết bằng phương pháp phẫu thuật.

Tuy rằng, phẫu thuật có thể loại bỏ hoàn toàn khối u, nhưng cũng có những trường hợp có thể tái phát bệnh hoặc không qua khỏi do sức khỏe quá yếu không thể vượt qua ca phẫu thuật. Tuy nhiên, tỷ lệ tái phát này có thể giảm đi đáng kể nếu bệnh nhân được điều trị hóa trị bổ trợ sau phẫu thuật. 

Trả lời cho câu hỏi của bạn, phẫu thuật u phổi có nguy hiểm không? Theo các chuyên gia, nếu u phổi được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm, tiên lượng điều trị là khá tốt. Và tất nhiên bất cứ phương pháp điều trị u phổi nào cũng không thể tránh khỏi các tác dụng phụ, không nhiều thì ít và ở các mức độ khác nhau tùy thuộc mỗi người và từng loại phẫu thuật. Tuy nhiên người bệnh không nên quá lo lắng bởi bác sĩ sẽ là người theo dõi và hướng dẫn người bệnh các biện pháp để kiểm soát các tác dụng phụ này một cách tốt nhất!

Chúc bạn và gia đình sức khỏe!

Chuyên gia u bướu