Chào chuyên gia, tôi năm nay 47 tuổi, có thói quen hút thuốc, mỗi ngày chỉ khoảng 2-3 điếu. Tôi có đọc thông tin trên mạng thì thấy hút thuốc lá là yếu tố có liên quan mật thiết đến căn bệnh ung thư phổi. Ngoài ra ung thư phổi cũng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác. Vậy chuyên gia có thể tư vấn để giúp tôi hiểu rõ hơn về những nguyên nhân gây bệnh và cách phòng ngừa hiệu quả được không ạ? Nếu từ giờ tôi từ bỏ thói quen hút thuốc thì liệu có giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh không thưa chuyên gia? (Tuấn Minh, Nam Định).
Trả lời:

Chào bạn. Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Với những thắc mắc trên chúng tôi xin được giải đáp như sau: 

Nguyên nhân gây ung thư phổi 

Ung thư phổi là bệnh lý hình thành do sự tăng sinh vô độ của tế bào mô phổi, trong khi các tế bào già, lỗi không được đào thải dẫn đến hình thành khối u ở phổi. Các yếu tố có liên quan đến quá trình hình thành bệnh đó là: 

- Thuốc lá: Đây là tác nhân hàng đầu gây ung thư phổi. Hút thuốc lá chủ động làm tăng nguy cơ bị ung thư phổi lên 13 lần. Con số này có thể tăng lên theo mức độ tiêu thụ thuốc lá, số năm hút thuốc và số lượng thuốc hút mỗi ngày. Theo thống kê, có khoảng 90% trường hợp bị ung thư phổi là người nghiện thuốc lá. Bên cạnh đó, tiếp xúc lâu dài với khói thuốc bị động cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi. Do đó, việc hút thuốc không chỉ gây hại cho chính bản thân bạn mà còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe của những người xung quanh. 

 

Thuốc lá là tác nhân chủ yếu gây ung thư phổi

- Ô nhiễm không khí: Đây cũng là một trong những yếu tố gây nhiều bệnh lý đường hô hấp, trong đó có ung thư phổi. Ô nhiễm không khí có thể xuất phát từ khí đốt ở gia đình, xí nghiệp, khí xả ra từ các động cơ, phương tiện giao thông,... 

- Nghề nghiệp: Theo chúng tôi nhận thấy, công nhân làm việc ở một số mỏ như mỏ phóng xạ uranium, mỏ kền, mỏ cromit; công nhân làm việc trong một số ngành nghề tiếp xúc với amiăng, công nghiệp hóa dầu, công nghiệp nhựa, khí đốt,... có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn so với bình thường. 

- Di truyền: Mặc dù yếu tố di truyền chưa được chứng minh nhưng thực tế cho thấy, nếu gia đình bạn có người mắc ung thư phổi thì nguy cơ mắc bệnh ở bạn cũng cao hơn so với bình thường.

- Các bệnh ở phế quản phổi: Nếu bạn thường xuyên mắc các bệnh lý như viêm phổi, viêm phế quản và không được quan tâm điều trị đúng cách sẽ dẫn đến các tổ chức bị xơ sẹo hóa, lâu ngày hình thành khối u ở phổi. 

- Một số yếu tố khác 

Ngoài những yếu tố kể trên, bệnh ung thư phổi còn có thể liên quan đến một số vấn đề khác như: 

+ Giới tính: Nam giới mắc ung thư phổi nhiều hơn nữ giới, tuy nhiên điều này có lẽ là do nam giới thường hút thuốc nhiều hơn nữ. Ở những nước có tỷ lệ nữ giới hút thuốc tăng, người ta nhận thấy tỷ lệ ung thư phổi ở nữ cũng gia tăng theo.

+ Tuổi: Bệnh ung thư phổi thường gặp nhiều nhất ở người 40-60 tuổi, dưới 40 ít gặp và trên 70 tuổi tỷ lệ mắc cũng rất thấp. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy ung thư phổi vẫn có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào.

+ Địa lý: Ở các nước công nghiệp phát triển, ung thư phổi là bệnh lý thường gặp. Một số nghiên cứu cho thấy, ở thành thị số ca mắc bệnh cao nhiều gấp 5 lần so với nông thôn. 

Giải pháp giúp phòng ngừa ung thư phổi 

Để giảm nguy cơ mắc ung thư phổi, chúng tôi cho rằng, việc quan trọng và mang lại hiệu quả tối ưu đó là tránh xa những tác nhân gây bệnh. Bạn hãy thực hiện ngay những giải pháp sau đây để giảm thiểu nguy cơ mắc phải căn bệnh “quái ác” này: 

Bỏ thuốc lá 

Như đã phân tích, thuốc lá là tác nhân chính dẫn tới ung thư phổi. Vì vậy, ngay từ bây giờ hãy tránh xa thuốc lá để bảo vệ chính bạn và cả những người xung quanh. 

Phòng tránh trong nghề nghiệp 

Nếu bạn phải làm việc trong các môi trường độc hại như đã kể trên thì hãy thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo hộ lao động, để tránh hoặc giảm tối thiểu việc tiếp xúc với những yếu tố độc hại gây ung thư. 

Tập thể dục và chế độ dinh dưỡng hàng ngày 

Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên có thể hữu ích trong phòng ngừa ung thư phổi. Hàng ngày, bạn nên dành khoảng 30 phút để chạy bộ, đạp xe, đi bộ,... giúp cơ thể dẻo dai và khỏe mạnh. Bên cạnh đó, cần kết hợp với chế độ ăn uống khoa học, bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả tươi, đặc biệt là những thực phẩm nhiều màu sắc khác nhau như súp lơ, rau chân vịt, hành, táo, cà chua, cam,… để phòng tránh ung thư phổi hiệu quả.

 

Tập luyện hàng ngày giúp giảm nguy cơ mắc ung thư phổi

Kiểm tra sức khỏe định kỳ

Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ sẽ giúp bạn phát hiện kịp thời cũng như có phương pháp phòng chống ung thư phổi tốt hơn. Mặc dù bạn đang cảm thấy khỏe mạnh, chưa thấy có dấu hiệu của triệu chứng song có thể mầm bệnh đã xuất hiện trong cơ thể. Đặc biệt, ở căn bệnh ung thư phổi nếu phát hiện sớm có thể điều trị hiệu quả hơn rất nhiều so với việc phát hiện muộn.