Chào bạn Lê Hùng!
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Ông bạn mắc bệnh u phổi ác tính và đã được phẫu thuật, tình trạng sức khỏe cũng đang dần tốt lên là tín hiệu đáng mừng bạn nhé! Bên cạnh áp dụng phác đồ điều trị u phổi, việc kết hợp với một chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị và cải thiện tình trạng bệnh một cách nhanh chóng hơn.
Người bị u phổi ác tính đã điều trị nên ăn gì?
Chế độ dinh dưỡng đầy đủ dưỡng chất phù hợp sẽ giúp người mắc bệnh u phổi ác tính hồi phục sức khỏe nhanh hơn. Dưới đây là một số thực phẩm người bệnh nên bổ sung trong các bữa ăn hàng ngày:
1. Trái cây tươi và rau xanh
Trái cây tươi và rau xanh là những thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, vitamin và các khoáng chất cần thiết giúp nâng cao sức khỏe để chống chọi với bệnh tật, làm giảm các triệu chứng của u phổi. Theo các chuyên gia, trái cây và rau xanh chứa nhiều carbohydrates “tốt” giúp sản sinh năng lượng cho cơ thể.
2. Thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, nên ăn nhạt
Người bị u phổi ác tính sau điều trị nên ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, ăn nhạt, tránh ăn mặn vì sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe như: Súp, cháo, các món hầm,...
3. Ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ và chất dinh dưỡng hơn so với các loại ngũ cốc đã được tinh chế. Các loại vitamin, khoáng chất và đặc biệt là chất chống oxy hóa trong ngũ cốc nguyên hạt đã được chứng minh có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, u phổi. Bạn nên chọn các loại ngũ cốc như: Gạo, kê, ngô, yến mạch,... cung cấp vitamin B và carbohydrate giúp kích thích não bộ sản sinh hormone serotonin giúp cơ thể giảm cảm giác chán ăn, lo âu của người bệnh.
4. Thực phẩm giàu protein
Người bệnh bị u phổi ác tính vừa trải qua phẫu thuật rất dễ bị thiếu máu và suy nhược cơ thể, bởi vậy bạn nên bổ sung thêm các thực phẩm chứa nhiều đạm như thịt gà, thịt bò, các loại sữa ít béo và sản phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua,... giúp tăng cường sức khỏe, cải thiện tình trạng thiếu máu, mệt mỏi hiệu quả. Bạn nên chế biến đơn giản như luộc, hấp, hầm và chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày, không nên cho quá nhiều gia vị sẽ khiến bệnh nhân bị khó tiêu.
5. Sữa và các sản phẩm từ sữa
Sữa và các chế phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua cung cấp một lượng canxi và protein phong phú cho cơ thể, giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Bạn nên sử dụng sữa và các chế phẩm từ sữa vào các bữa ăn phụ vừa giúp bổ sung dinh dưỡng vừa cải thiện tình trạng chán ăn của người bệnh.
6. Chất béo thực vật
Chất béo thực vật rất tốt cho cơ thể, giúp thúc đẩy quá trình hấp thụ dưỡng chất, ngăn ngừa hiện tượng giảm cân bất thường ở người bệnh bị u phổi. Bởi vậy bạn nên sử dụng các loại hạt ngũ cốc, bơ đậu phộng, trộn chung với các món salad, làm ngũ cốc, sữa chua để ăn vào các bữa phụ. Hoặc có thể thêm chất béo thực vật từ dầu ô liu, dầu hạt cải, dầu đậu phộng, bơ,... vào các món ăn hàng ngày.
7. Nước trà xanh
Không chỉ với người bệnh bị u phổi, nước trà xanh còn rất tốt cho sức khỏe và các bệnh lý khác bởi trong trà xanh có chứa hợp chất polyphenols trong trà xanh có tác dụng chống oxy hóa, hỗ trợ ngăn ngừa khối u phát triển hiệu quả.
Bên cạnh những thực phẩm cần bổ sung người bị u phổi cần lưu ý:
- Tránh thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh
- Không hút thuốc, không uống rượu bia
- Tránh những thực phẩm không tốt cho sức khỏe nói chung như: Đồ nướng, đồ hun khói, đồ ăn nhiều dầu mỡ…
- Không nên ăn những đồ ăn ít calo, không bổ dưỡng.
Chúc bạn và gia đình sức khỏe!
Chuyên gia ung bướu