Chào Xuân, cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Với những thắc mắc trên chúng tôi xin được giải đáp như sau.
Hút thuốc lá có liên quan gì đến bệnh lý ung thư phổi?
Với trường hợp ông bạn tuổi đã khá cao lại có tiền sử hút thuốc lá - đây là một trong những yếu tố ngoại sinh có thể gây ra ung thư phổi. Các nghiên cứu cho thấy số lượng thuốc hút càng nhiều, trong thời gian càng dài thì nguy cơ mắc bệnh càng cao. Thống kê cho thấy, 90% người bị ung thư phổi có liên quan đến thói quen hút thuốc lá, khoảng 4% người bị ung thư phổi không hút thuốc nhưng họ đã hít một số lượng đáng kể khói thuốc lá từ môi trường sống và 90% người bị ung thư phổi đã hút hơn 10 điếu thuốc lá/ngày trong 20 năm.
Đặc biệt nhiều người cho rằng thuốc lá độc hại gây ung thư, còn thuốc lào thì an toàn do được “lọc” các thành phần độc hại trong khói thuốc nhờ lượng nước nhỏ trong ống điếu. Tuy nhiên, chúng tôi nhận định rằng, hút thuốc lào cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ung thư phổi.
Theo Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá của Bộ Y tế cho thấy, khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất, trong đó có hàng trăm loại có hại cho sức khỏe và 69 loại gây ung thư, bao gồm chất gây nghiện và chất gây độc. Trong số 69 chất gây ung thư có một số chất như hợp chất thơm có vòng đóng, benzopyrene hay các nitrosamine. Các hóa chất này tác động lên tế bào bề mặt của đường hô hấp gây viêm mạn tính, phá hủy tổ chức, biến đổi tế bào dẫn đến dị sản, loạn sản và dần dần hình thành khối u ác tính (ung thư phổi).
Hút thuốc lá là tác nhân hàng đầu gây ung thư phổi
Không biết ông bạn đã đi khám ở bệnh viện tuyến nào. Hiện tại ngoài triệu chứng ho nhiều ông bạn có bị tức ngực, khó thở hay sốt không. Vì đây có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý ở phổi như viêm phổi, lao, ung thư phổi. Trong đó nguy hiểm nhất là ung thư phổi. Nếu như không may là ung thư phổi có xuất hiện nốt mờ thì tức là còn ở giai đoạn sớm có thể dùng phẫu thuật. Tuy nhiên, ở độ tuổi 78 tuổi thì cần chuẩn đoán xác định cụ thể giai đoạn ung thư phổi, phải được tiến hành sinh thiết khối u, xác định u đó là loại gì và mức độ ác tính ra sao. Từ đó kết hợp nhận định sức khỏe toàn trạng của người bệnh để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Như vậy, với những thông tin mà bạn cung cấp chúng tôi chưa thể khẳng định chắc chắn rằng ông của bạn có bị ung thư phổi hay không mà chỉ có thể nghi ngờ thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị ung thư phổi. Muốn có chẩn đoán chính xác bạn và gia đình cần theo dõi thêm triệu chứng lâm sàng và đưa ông đến cơ sở y tế để làm các xét nghiệm cần thiết.